10 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, các chuyên gia đang truy lùng manh mối của cuộc khủng hoảng kế tiếp

11-10-2018 - 19:00 PM

Vẫn day dứt vì không thể dự đoán về hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất, các chuyên gia hiện đang nghiên cứu và đặt câu hỏi rằng: cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ xảy ra khi nào và nó sẽ được châm ngòi từ đâu?

"Đó là những gì sẽ xảy ra cứ mỗi 5 đến 7 năm", là điều Jamie Dimon, CEO của JPMorgan giải thích về cuộc khủng hoảng tài chính với con gái ông. Còn Nữ hoàng Elizabeth II hỏi rằng "tại sao không có ai chú ý đến" mầm mống của cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm.

Vẫn băn khoăn về sự thất bại khi dự đoán về cuộc khủng hoảng của 10 năm trước và 2 thập kỷ kể từ khi thị trường châu Á chao đảo, các trader, các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế học hiện đang băn khoăn về việc: khi nào cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ xảy ra và nó sẽ được châm ngòi từ đâu.

Tại cuộc họp thường niên được tổ chức tại Bali, Indonesia vào tuần này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo các nhà đầu tư có thể đang rất chủ quan về nguy cơ của cuộc khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, một trong những tiền đề của lịch sử tài chính là không có hai cuộc khủng hoảng nào giống nhau, nên các chuyên gia đang nghiên cứu về những yếu tố có khả năng châm ngòi cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế và thị trường thế giới. Một sai lầm trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), ví dụ như tăng lãi suất trong thời gian quá lâu hoặc quá nhanh, có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và gây xáo trộn cho các thị trường khác trên thế giới.

Dưới đây là một số "điểm nóng" có khả năng gây ra cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp.

Trung Quốc

Tín dụng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của sức mạnh nền kinh tế Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp nhằm kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nợ doanh nghiệp, nhưng tổng số nợ bên ngoài lĩnh vực ngân hàng tiếp tục tăng trong năm ngoái và vẫn ở mức không bền vững, theo IMF.

Trong số 43 trường hợp có tỷ lệ nợ/GDP với tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, thì chỉ có 5 trường hợp "kết thúc" trong sự "yên bình", không có sự sụt giảm lớn hay xảy ra khủng hoảng tài chính. Nhiều nhà kinh tế học vẫn cho rằng Bắc Kinh cũng có nhiều yếu tố khả quan, đó là tài khoản vãng lai mạnh và cơ hội gia tăng chi tiêu của chính phủ. Nhưng cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến Trung Quốc phải cắt giảm nợ, đẩy những rủi ro tài chính lên cao hơn.

Các thị trường mới nổi

Việc Fed nâng lãi suất cùng với đồng bạc xanh tăng giá mạnh đã khiến các thị trường mới nổi điêu đứng, khiến các công ty vay nợ bằng USD khó khăn trong việc trả nợ. Argentina hiện đang vay số tiền 57 tỷ USD từ IMF, khoản tiền lớn nhất trong lịch sử mà quỹ cho vay, để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiền tệ tại nước này. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lao dốc khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng giải quyết lạm phát của chính quyền Recep Erdogan.

Ông Hak Bin Chua, kinh tế gia cấp cao tại Maybank Kim Eng - Hồng Kông, cho biết: "Các thị trường mới nổi đang chịu khoản nợ bằng USD và các nhà nhập khẩu dầu có lẽ sẽ gặp tổn thất nhiều nhất."

Một số thị trường mới nổi như Mexico và Colombia đã tránh được "cơn bão" này. Nhưng khi các ngân hàng trung uơng nâng lãi suất thì các nhà đầu tư có thể không nhận thức rõ.

Mark Sobel, cựu giám đốc điều hành của IMF ở Mỹ, nói: "Các rủ ro đến từ các thị trường mới nổi có thể sẽ bị hạn chế trong những trường hợp riêng biệt, nhưng khả năng lây lan là hoàn toàn có."

Nợ doanh nghiệp

Nợ tư nhân tăng mạnh chính là nhân tố chính góp phần vào đà tăng ổn định lượng nợ toàn cầu trong cuộc khủng hoảng nợ năm 1950, theo IMF. Trong cuộc khủng hoảng diễn ra gần đây nhất, nợ hộ gia đình chính là yếu tố châm ngòi cho quả bom khủng hoảng. Người tiêu dùng đã phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", nhưng các công ty Mỹ lại phải đi vay nhiều hơn.

Tận dụng lợi thế của lãi suất thấp và nhu cầu mạnh mẽ, các công ty Mỹ đã phát hành nợ lên mức kỉ lục, đẩy tỷ lệ nợ lên gần mức cao nhất trong 30 năm, theo chiến lược gia tài sản chéo của JPMorgan, Andrew Sheets.

Theo Jerome Jean Haegeli, kinh tế gia trưởng của Swiss Re Institute, việc phản ứng với tình trạng bất ổn này lại khó khăn hơn cho cả thế giới, bởi các ngân hàng trung ương vẫn nâng mức lãi suất trở lại mức bình thường, gây khó khăn khi cung cấp các biện pháp kích thích.

"Những kẻ sống sót" sau cuộc khủng hoảng - bất động sản

Ở một số nền kinh tế đã phát triển, giá nhà đất không bao giờ bị ảnh hưởng dù cuộc khủng hoảng năm 2008 đã diễn ra, và việc tích tụ nợ hộ gia đình hiện nay đã tăng lên mức báo động. Trong báo cáo ổn định tài chính toàn cầu mới nhất, IMF đã đưa Úc, Canada và các nước Bắc Âu vào danh sách này. 27 năm tăng trưởng liên tiếp của Úc đã góp phần thúc đẩy sự bủng nổ của bất động sản, giá nhà tại Sydney đã tăng vọt lên gấp 5 lần. Giá nhà đất trên cả nước hiện đang giảm và đã giảm trong 12 tháng liên tiếp.

Ý và châu Âu

Rủi ro về một cái kết về sự ra đi không êm đẹp ra khỏi khu vực châu Âu có một cái tên mới: Quitaly (Italy rời Liên minh châu Âu)

Lo ngại rằng Thủ tướng Giuseppe Conte sẽ đẩy khoản nợ lên mức không bền vững bằng cách tăng thâm hụt ngân sách quốc gia đã khiến trái phiếu kho bạc bị đẩy lên mức cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Nợ công của Italy đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD, tương đương 130% GDP của Italy, cao hơn bất kỳ quốc gia nào thuộc EU. Dẫu vậy, chính quyền nước này vẫn đang lên kế hoạch tăng thâm hụt ngân sách vào năm tới - một động thái có thể ảnh hưởng rất xấu tới các thị trường trái phiếu và cổ phiếu.

Giá dầu

Giá dầu thô tăng mạnh trong thời gian gần đây và sắp trở lại mức 100 USD/thùng, tác động đến rất nhiều quốc gia phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ucraina. Việc phải trả giá cao hơn sẽ tạo thêm áp lực cho các thị trường mới nổi vốn đã không ổn định khi Fed nâng lãi suất.

Tình trạng tồi tệ của Brexit

Thị trường đang bị ràng buộc bởi nguy cơ Anh sẽ không tiến tới thoả thuận sau khi "chia tay" EU, điều này có thể sẽ gây những ảnh hưởng hết sức nặng nề đối với lĩnh vực tài chính, ví dụ như các ngân hàng ở Anh sẽ mất quyền "thông hành" ở châu Âu, buộc họ phải tăng nguồn vốn. IMF đã đưa ra cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương phải sẵn sàng cho việc cung cấp các gói thanh khoản ngay lập tức.