"18 năm cay đắng" của QĐ Israel: Tương lai đen tối của phiến quân thân Thổ ở Bắc Syria?

17-11-2019 - 07:19 AM

Tương lai khi Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi "vùng an toàn" bắc Syria, một thảm họa có thể sẽ xảy ra vì SNA có thể sẽ phải đối mặt với sự căm hận của người dân địa phương.

Các chiến dịch quân sự mang tên "hòa bình"?

"Chiến dịch Mùa xuân hòa bình" năm 2019, cái tên mà Thổ Nhĩ Kỳ miêu tả cuộc xâm lược miền bắc Syria khiến chúng ta liên tưởng tới cuộc xâm lược Lebanon vào năm 1982 của Israel và cái tên khá tương đồng "Chiến dịch Hòa bình cho Galilee".

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) với một lý do tương tự là thiết lập một "vùng an toàn" đã chiếm đóng miền nam Lebanon trong 18 năm và điều này chỉ kết thúc sau một cuộc chiến du kích đẫm máu và sự trỗi dậy của nhóm vũ trang Hezbollah.

Cũng như các Chiến dịch Lá chắn Euphrate 2018 và Nhành Oliu 2018 của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria, quân đội Israel bắt đầu thâm nhập miền nam Lebanon vào năm 1978 với mục tiêu khắc chế các hoạt động bạo lực của người Palestine chống lại Israel.

Hoạt động quân sự leo thang vào tháng 6/1982, trở thành một cuộc xâm lược toàn diện với mục đích hủy diệt quân du kích Palestine, đẩy lực lượng Syria ra khỏi Lebanon và thành lập một chính phủ thân Israel ở Beirut.

18 năm cay đắng của QĐ Israel: Tương lai đen tối của phiến quân thân Thổ ở Bắc Syria? - Ảnh 1.

Lính Israel và đồng minh người Lebanon trong chiến dịch xâm lược "Hòa bình cho Galile".

Israel đã nỗ lực củng cố an ninh phía nam Lebanon bằng cách xây dựng Quân đội Nam Lebanon (SLA) và trong 18 năm tiếp theo.

Mặc dù Israel cố "tô vẽ" nên một cuộc chiến giữa Israel và đồng minh Thiên chúa giáo chống lại những người Hồi giáo Shia thù địch, nhưng thực tế là hơn 50% binh sĩ SLA là Shiite, Sunni hoặc Druze. Ngược lại, một số lượng đáng kể người Thiên chúa giáo đã tham gia kháng chiến.

Vùng đệm nam Lebanon hoàn toàn khác so với những phần còn lại của quốc gia này và ngay cả kẻ xâm lược Israel. Những người quản lý khu vực phải hoạt động như một chính quyền quân sự nhưng lại phụ thuộc vào quân đội Israel.

Bạo lực ở nam Lebanon đã làm xói mòn hình ảnh của Nhà nước Do thái, tác động đến sự hỗ trợ quốc tế cho cuộc đấu tranh của người Palestine. Nói cách khác, "vùng an toàn" này đã làm tổn hại không những khả năng quân sự mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và vị thế của chính Israel.

Israel đã ở vào thế bị buộc phải rời khỏi Lebanon vào tháng 5/2000 và Hezbollah đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống. Đồng minh SLA tan rã khi không có sự hỗ trợ của Israel, và hàng nghìn cựu binh lính đã phải chạy trốn vì sợ bị trả thù do đã cộng tác với những kẻ xâm lược.

18 năm cay đắng của QĐ Israel: Tương lai đen tối của phiến quân thân Thổ ở Bắc Syria? - Ảnh 2.

Hai dân quân SLA hướng dẫn một đoàn xe quân sự tại nam Lebanon năm 1999.

Ai sẽ là người được hưởng lợi sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ?

Vào năm 1982, Israel khao khát kiểm soát Trung Đông và trỗi dậy như một bá chủ không thể tranh cãi trong khu vực. Lập luận hành động quân sự trên cơ sở nhân đạo cũng là một chiến thuật ngoại giao quan trọng được Israel sử dụng để che giấu ý định thực.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ không bác bỏ mong muốn loại bỏ lực lượng người Kurd, và tuyên bố rằng chiến dịch nhằm mục đích tái định cư người tị nạn Syria hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ vượt xa tuyên bố đó và là điều mà Tổng thống Erdogan theo đuổi trong thập kỷ qua, biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà bảo trợ Hồi giáo Sunni và thực thi tham vọng với các vùng đất từng bị thống trị bởi Đế chế Ottoman.

Nhưng "vùng an toàn" của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ kết thúc bằng một "đấu trường" mới cho giai đoạn tiếp theo của cuộc nội chiến Syria.

Trớ trêu thay, người hưởng lợi lớn nhất từ cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ lại là chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Hay nói cách khác chính cuộc xâm lược này khiến "cái ghế" của ông Assad vững hơn bao giờ hết.

18 năm cay đắng của QĐ Israel: Tương lai đen tối của phiến quân thân Thổ ở Bắc Syria? - Ảnh 4.

Phiến quân SNA và một đoàn xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ trong "Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình"

Người Thổ có rút ra được điều gì từ "18 năm cay đắng" của Israel ở Lebanon?

Sau Thế chiến thứ hai, việc sử dụng các nhóm dân quân địa phương với vai trò "bù nhìn" của một cuộc xâm lược đã trở nên phổ biến.

Israel dựa vào SLA trong phần lớn các hoạt động quân sự ở nam Lebanon và ngược lại, họ phải vũ trang và trả lương cho binh lính SLA. Khi IDF rút quân vào tháng 5/2000, SLA nhanh chóng tan rã và hàng nghìn cựu binh SLA và gia quyến đã vượt biên giới vào Israel.

18 năm cay đắng của QĐ Israel: Tương lai đen tối của phiến quân thân Thổ ở Bắc Syria? - Ảnh 5.

Chiến binh Hezbollah và một xe bọc thép M113 do SLA bỏ lại sau khi rã ngũ ở nam Lebanon.

Hiện tại, Ankara đang tranh thủ sự ủng hộ của cái gọi là Quân đội Quốc gia Syria (SNA), những người được họ huấn luyện và tài trợ.

Việc biến phiến quân thành lính đánh thuê của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải trả giá đắt khi SNA tham chiến bởi hận thù sắc tộc và bởi những khoản tài trợ của chứ không phải vì lợi ích chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tương lai khi lính Thổ rút khỏi cái gọi là "vùng an toàn" này, một thảm họa nhân đạo khác có thể sẽ xảy ra vì SNA có thể sẽ phải đối mặt với sự căm hận của người dân địa phương hoặc các cuộc tấn công của Damascus.

Nhìn qua lịch sử nam Lebanon, câu hỏi đặt ra là liên minh SNA-Thổ Nhĩ Kỳ có thể kéo dài bao lâu nếu các nhóm phiến quân này đạt được thỏa thuận với chính phủ hoặc với các thế lực khác đang can thiệp vào Syria.

Và cuối cùng, quyết định rút khỏi nam Lebanon năm 2000 của Israel không phải là kết quả của áp lực quốc tế mà là áp lực từ trong nước khi người dân Israel mệt mỏi vì cuộc chiếm đóng không mục đích.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã không xem xét "bài học nhãn tiền" của các tác động lâu dài đối với Israel trong "cuộc phiêu lưu" ở nam Lebanon, nhưng từ "hòa bình" trong cái tên của các hoạt động quân sự sẽ không che giấu nổi thực tế đó.

Xe tăng Leopard 2A4 của Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ hỏa lực cho phiến quân "Sư đoàn Sultan Murad" tấn công Tell Tamr ngày 12/11.