Bảo vệ và thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay

14-11-2017 - 06:00 AM

Khi trở lại Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đầu năm 1947, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa dân quốc rút khỏi các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép cuối năm 1946 và Pháp đã cho quân đến thay thế quân đội Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng và đài vô tuyến điện.

Ngày 7-9-1951, Trưởng Đoàn đại biểu của Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu tuyên bố tại Hội nghị San Francisco về việc ký hoà ước với Nhật Bản rằng từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam: "… và cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa". Tuyên bố đó không gặp sự chống đối hoặc bảo lưu nào của đại diện 51 quốc gia tham dự Hội nghị.

Bảo vệ và thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay - Ảnh 1.

Trạm khí tượng Itu Aba ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa (Văn kiện của Tổ chức Khí tượng thế giói năm 1949)

 Năm 1953, tàu Ingénieur en chef Girod của Pháp khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương, địa chất, địa lý, môi sinh.

Chính quyền Sài Gòn, sau đó là cả chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Dưới đây là một vài bằng chứng:

Ngày 16-6-1956, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn tuyên bố một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đồng thời, cũng trong năm này, chính quyền Sài Gòn đã kịch liệt phản đối việc Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Năm 1956, lực lượng hải quân của chính quyền Sài Gòn tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi Pháp rút quân về nước. Sở Hầm mỏ, kỹ nghệ và tiểu công nghiệp miền Nam tổ chức một cuộc khảo sát với sự giúp đỡ của hải quân của chính quyền Sài Gòn trên bốn đảo: Hoàng Sa (Pattle), Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật (Robert), Duy Mộng (Drumond).

Ngày 22-10-1956, chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.

Bảo vệ và thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay - Ảnh 2.

Sắc lệnh số 174-NV ngày 13/7/1961 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm

Ngày 13-7-1961, chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hoà Vang và đặt dưới quyền một phái viên hành chính.

Từ năm 1961 đến 1963, chính quyền Sài Gòn lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa như: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây, v.v..

Bảo vệ và thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay - Ảnh 3.

Bia chủ quyền Việt Nam dựng trên đảo Trường Sa, quần đảo Trường Sa (1961)

Ngày 21-10-1969, chính quyền Sài Gòn sáp nhập xã Định Hải vào xã Hoà Long cũng thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam.

Ngày 22-2-1959, chính quyền Sài Gòn bắt giữ trong một thời gian 82 "ngư dân" Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hòa trong quần đảo Hoàng Sa.  

Ngày 20-4-1971, chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó trong cuộc họp báo ngày 13-7-1971.

Tháng 7-1973, Viện Khảo cứu nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển nông nghiệp và điền địa Sài Gòn tiến hành khảo sát đảo Nam Ai (Nam Yết) thuộc quần đảo Trường Sa.

Tháng 8-1973, với sự hợp tác của Công ty Nhật Bản Maruben Corporation, Bộ Kế hoạch và Phát triển quốc gia Sài Gòn tiến hành khảo sát phốtphát ở quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 6-9-1973, chính quyền Sài Gòn sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai, Sinh Tồn và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Ngày 19-1-1974, lực lượng quân sự của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chiếm đóng nhóm Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa và cũng trong ngày này, chính quyền Sài Gòn tuyên bố lên án Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 26-1-1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tuyên bố lập trường ba điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ; ngày 14-2-1974, tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.

Tháng 9-1975, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Khí tượng ở Colombo tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và yêu cầu Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam trong danh mục trạm khí tượng của WMO (trước đây đã được đăng ký trong hệ thống các trạm của WMO dưới biểu số 48.860).

 Về quản lý hành chính, năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, hiện nay, huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà.

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc trong các công hàm gửi các bên có liên quan, hoặc trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, hoặc trong các hội nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới ở Giơnevơ (tháng 6-1980), của Đại hội Địa chất thế giới ở Paris (tháng 7-1980), v.v..

Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần công bố "Sách trắng" (năm 1979, 1981, 1988) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Ngày 14-3-1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố lên án Trung Quốc gây xung đột vũ trang tại Trường Sa và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 4-2007, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa.