Bát ngát tình Bác trong văn thơ chúc Tết

11-02-2019 - 16:48 PM

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. (Ảnh tư liệu)

Mỗi mùa Tết đến Xuân về, gần thế kỷ qua, mỗi người Việt Nam chúng ta đều bồi hồi, nhớ đến Bác Hồ cùng những tình cảm bao la của Bác trong lời chúc Tết.

Bác Hồ đã đi xa, thời gian cũng càng lùi xa, song những tình cảm yêu thương bát ngát của Người còn đọng mãi, qua những trang văn thơ đến hôm nay và mai sau.

Cây bút Hồ Chí Minh viết cho đời, cho các thế hệ người Việt Nam là cây bút không mỏi, để trải dài tư tưởng và tình cảm của Bác trên các chặng đường hoạt động của Người. Đó là một di sản văn hóa đồ sộ mà trong đó, văn chương để lại nhiều dấu ấn đặc biệt.

Mùa xuân và Đảng với Bác Hồ

Chủ đề mùa xuân với Đảng, với chặng đường cách mạng của dân tộc luôn luôn hòa quyện trong tư tưởng và thơ văn Hồ Chí Minh chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Điển hình nhất là bài "Nguyên Tiêu" viết bằng chữ Hán xuân 1948, bản dịch của đồng chí Xuân Thủy như sau:

"Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền".

Thời kỳ hòa bình xây dựng, Bác Hồ có viết bài mừng xuân vui Tết trồng cây. Bài viết nhan đề: Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây, đăng báo ngày 1/1/1968, trong đó Bác có hai câu thơ:

"Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân".

Mùa xuân trong thơ Bác là mùa xuân đất nước, với những việc làm có ích cho đất nước xanh tươi, có môi trường thiên nhiên tươi đẹp.

Mùa xuân trong thơ Bác cũng là mùa nghĩ về Đảng, vui tự hào về Đảng quang vinh. Nhiều lần Bác nói về Đảng. Ngày 3/2/1964 Bác có bài Mừng Đảng ta 34 tuổi, in trên báo Nhân dân số 3598, trong bài có hai câu thơ:

"Công đức Đảng ta như biển rộng núi cao

Ba tư năm ấy biết bao nhiêu tình".

Và từ những năm trước đó, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ đã viết:

"Đảng ta là đạo đức, là văn minh,

Là độc lập, thống nhất, là hòa bình ấm no

Công ơn Đảng thật là to

Ba mươi năm lịch sử Đảng là một pho lịch sử bằng vàng".

Đảng – Bác – Mùa xuân như những cặp phạm trù lịch sử tự nhiên trong cuộc sống và trong thơ Bác kính yêu. Mảng văn Bác Hồ chúc Tết phong phú và tràn đầy đạo lý, tình người. Nhiều dịp cuối năm, khi đất nước chuẩn bị sang xuân và đón mừng năm mới, Bác viết bài cho báo và gửi thư cho nhiều cộng đồng yêu nước. Từ sau Cách mạng tháng Tám, trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác luôn luôn dùng văn cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Năm 1946, Bác viết bài "Tết" in trên báo Cứu Quốc, số 147, ngày 21/1/1946 toàn văn như sau: "Dân ta là một dân tộc giàu tình bác ái. Trong lúc này, toàn quốc đồng bào ta từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng xuân. Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui chung ngày Tết với những chiến sĩ oanh liệt ở ngoài mặt trận, những gia quyến các liệt sĩ, những đồng bào nghèo nàn. Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập". ký Hồ Chí Minh.

Xuân năm đó, Bác viết "Thư chúc Tết" gửi đồng bào toàn quốc, trong thư có hai câu thơ: "Bao giờ kháng chiến thành công/Chúng ta cùng uống một chung rượu đào". Bác lại có thư "Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc" và "Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm in báo Cứu Quốc 2/1/1946.

Sang xuân 1947, Bác có tới 10 bức thư: Lời kêu gọi đầu năm mới, Lời kêu gọi nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi; Gửi vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc; Gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô; Lời cảm ơn nhân dân và ngoại kiều (Hoa kiều và Ấn kiều) trong dịp Tết; Gửi Chính phủ và nhân dân Pháp; Thư gửi tướng Leclerc; Gửi các lãnh tụ và nhân dân các nước. Nội dung các văn thư phù hợp với mỗi đối tượng cụ thể với tình cảm cao cả của Bác mà nay đọc lại. Riêng với tướng Leclerc tiêu biểu cho quân xâm lược Pháp, Bác dùng lời lẽ chua cay: "Phải chăng đó là một công việc bạc bẽo đau đớn cho Ngài? Giả thử Ngài đánh được chúng tôi đi nữa – đấy là một điều viển vông... lại còn làm tổn thương đến uy danh... và tư cách ái quốc của Ngài" (1/1/1947).

Như vậy, Bác không chỉ có một thư chung mà có rất nhiều thư Tết riêng đối nội, đối ngoại. Tình Bác bao la ấm áp bao nhiêu với đồng bào chiến sĩ thì lại mạnh mẽ bấy nhiêu trong tiến công kẻ thù đế quốc.

Từ những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Pháp, mỗi khi Tết đến xuân về, Bác lại viết thư chúc Tết gửi đồng bào, chiến sĩ, các cháu thiếu nhi, động viên nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Tết Mậu Tý 1948, Bác có thư cho báo Bạn chiến đấu, góp ý nhiều kinh nghiệm làm báo sinh động, hấp dẫn. Năm 1949, ngoài thư chung, Bác có thư chúc Tết các cháu nhi đồng toàn quốc, có thư riêng chúc đồng bào trong vùng tạm bị chiếm. Năm 1950, Bác có thư riêng gửi toàn thể Vệ quốc quân và dân quân du kích, thư gửi nhân dân Pháp nhân dịp lễ Noel và năm mới. Những năm tiếp theo, Bác đều có thư riêng. Tết năm 1951 có thư khen thưởng thanh niên, thư gửi Nha Bình dân học vụ. Tết 1954 Bác còn có thư gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ vùng địch tạm chiếm. Đó là nét phong phú, thể hiện những tình cảm rộng lớn cao cả của Bác.

Thơ Bác Hồ chúc Tết

Trên miền Bắc mùa Xuân những năm sau 1954 mỗi khi Tết đến, Bác đều có thư chung chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước, và có thư riêng cho một vài địa phương, ngành, học sinh và thiếu nhi đang học ở các nước bạn, điện chúc Tết kiều bào nước ngoài (1957), điện cảm ơn và chúc mừng năm mới, Hội liên hiệp sinh viên quốc tế (1961). Văn chúc Tết của Bác giản dị mà rất phong phú, diễn đạt không năm nào giống năm nào giữa từ ngữ chân thành này đến những từ ngữ mộc mạc khác.

Đặc biệt, đón Xuân cuối cùng (1969), Bác có nhiều điện và thư, trong đó có: Điện gửi luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, điện chúc Tết các đồng chí cán bộ đang công tác tại Paris, thư kèm thơ chúc mừng năm mới. Thư chúc Tết của Bác thật nhiều. Song cái nhiều ở đó là tình cảm bao la của Bác, sâu đậm tính cách mạng và nhân văn. Và, đến mức những tình cảm thiêng liêng ấy bật sáng thành thơ.

Thơ Bác Hồ chúc Tết là nét văn hóa thơ đặc sắc phong cách thơ của nhà thơ dân tộc Hồ Chí Minh. Điều đó đã trở thành một nét văn hóa đón Tết của nhân dân ta từ Nam chí Bắc. Đó là mỗi dịp Xuân về, mỗi đêm giao thừa mênh mông và sâu lắng, đồng bào và chiến sĩ ta lại mong chờ thơ Bác, đón nghe giọng Bác trên Đài Tiếng nói Việt Nam:

"Chúc đồng bào:

Trong năm Bình Tuất mới

Muôn việc đều tiến tới

Kiến quốc mau thắng lợi

Việt Nam độc lập muôn năm"!

(1946)

Trích thơ Bác 1947:

"Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông"

Trích thơ Bác 1948:

"Toàn dân đại đoàn kết

Cả nước dốc một lòng

Thống nhất chắc chắn được

Độc lập quyết thành công"...

Thơ Bác 1949:

"Người người thi đua

Ngành ngành thi đua

ngày ngày thi đua

Ta nhất định thắng

Địch nhất định thua".

Thơ Bác xuân 1956:

..."Miền Bắc thi đua xây dựng

Miền Nam giữ vừng thành đồng

Quyết chí bền gan chiến đấu

Hòa bình thống nhất thành công"

Thơ chúc Tết của Bác có dạng thức một bài độc lập và có dạng thức một bức thư chúc Tết đi tới đoạn thơ sau. Chào xuân 1961, Bác có thư chúc Tết đồng bào. Cuối thư, Bác viết:

"Vậy có thơ rằng:

Mừng năm mới, mừng xuân mới

Mừng Việt Nam, mừng thế giới

Đường lên hạnh phúc rộng thênh thang".

Thư Bác xuân 1964 cũng vậy. Cuối thư có mấy câu thơ mà hai dòng cuối thật giản dị:

"Mấy lời thân ái nôm na

Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân"

Cuối thư mừng năm mới 1967, Người viết:

"Bác có bài ca chúc năm mới như sau:

Xuân về xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi

Tin mừng thắng trận nở như hoa".

Miền Nam luôn trong trái tim của Bác. Bao giờ Bác cũng chúc cả hai miền. Xuân 1968, Bác chúc:

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta"!

Xúc động biết bao, tình Bác dồn nén và dân trào, bài thơ mừng xuân 1969 là 6 câu cuối thư chúc Tết cuối cùng của Bác:

"Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! chiến sĩ, đồng bào

Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn"!

Thơ Bác đã thành bài ca, bản nhạc, thơ Bác là lời xung trận. Đồng bào chiến sĩ tình cảm thiêng liêng chan hòa, vừa yêu kính Bác, vừa đoàn kết đi lên theo lời chúc của Bác./.