Bị lừa không phải vì ngốc mà vì bị “bắt thóp”: Bóc mẽ 5 chiêu thức các nhãn hàng, tội phạm lừa đảo và giới cầm quyền phương Tây thường dùng để “dắt mũi” khách hàng và công luận

09-11-2019 - 09:08 AM

“Dắt mũi” được khách hàng và công luận, nhà cung ứng bán đắt hàng hơn, trùm bịp bợp chiếm đoạt được nhiều tài sản hơn và giới cầm quyền phương Tây thực hiện các mục đích chính trị dễ dàng hơn.

Phần lớn chúng ta không ý thức được việc mình đang bị “dắt mũi”. Mặc dù đã tỉnh táo hơn trước chiêu thức lừa đảo Ponzi hay những tin nhắn “gửi mã pin nhận thưởng”, chúng ta vẫn hay mất tiền cho nhiều “thương vụ” ngốc nghếch: Các chị em không nỡ từ chối lời chào mời “mua 2 tặng 1” từ các nhãn hàng mỹ phẩm và thường rời trung tâm thương mại khi trên tay lỉnh kỉnh chai lọ chia cho bạn bè cùng dùng cả năm cũng không hết. Đi ăn nhà hàng, thực khách hay bị thu hút bởi những món đặc biệt theo ngày chỉ vì tên gọi đặc biệt, không biết rằng đó là cách nhà hàng bán tháo nguyên liệu tồn trước khi chúng "hết đát". 

Mặc dù chúng ta bị lừa, việc chúng ta bị thuyết phục xuất phát từ nội tại mỗi người. Trong một bài diễn thuyết tại TEDxBerlin, phát thanh viên, diễn giả người Anh Alexis Conran phát biểu: “Ảo thuật, deal hàng được chốt, các vụ lừa đảo và niềm tin chính trị trót lọt đều dựa vào nhận thức của khán giả và khách hàng.”

Sự nghiệp của Conran bắt đầu từ vai trò diễn viên rồi ảo thuật gia tại chương trình The Real Hustle của đài BBC. Ông và ê-kíp áp dụng nhiều mánh khóe ảo thuật với người đi đường rồi giải thích cơ chế của những trò bịp đó. Ê-kíp này chế ra bộ đồ nghề có “siêu năng lực” từ những vật dụng chúng ta vẫn sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. “Siêu năng lực của chúng tôi là dùng đúng từ, hỏi đúng câu hỏi và đặt người qua đường vào đúng những tình huống mà họ buộc phải làm theo những gì chúng tôi hướng dẫn.”

Bởi vì quá trình bị “dắt mũi” diễn ra trong đầu của mỗi người, việc “thức tỉnh” phụ thuộc vào chính chúng ta. Bằng cách nào? Hãy cảnh giác – không cần quá nóng vội, nghi ngờ, chỉ cần ý thức được những chiêu thức mà các nhãn hàng, chính trị gia “bắt thóp” bạn khiến bạn làm theo, nghĩ theo những gì họ muốn. Conran nói thêm: “Tôi không nói tất cả họ đều là kẻ lừa đảo, nhưng tất cả đều có chung một mục đích là thuyết phục được bạn mua hàng thông qua câu chuyện họ kể.”

Bị lừa không phải vì ngốc mà vì bị “bắt thóp”: Bóc mẽ 5 chiêu thức các nhãn hàng, tội phạm lừa đảo và giới cầm quyền phương Tây thường dùng để “dắt mũi” khách hàng và công luận - Ảnh 1.

5 chiêu thức “dắt mũi” người tiêu dùng và công luận phương Tây phổ biến là: 

Đánh lạc hướng

Đánh lạc hướng là chiến thuật cổ lỗ mà kẻ trộm vẫn áp dụng từ ngàn xưa. Đó là lý do vì sao bạn bị móc túi khi tham gia các lễ hội âm nhạc ngoài trời, các buổi trình diễn pháo hoa hay khi bạn cắm cúi vào điện thoại, sách vở trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đánh lạc hướng có thể được sử dụng ở một đẳng cấp tinh vi hơn. Bạn có thấy các tập đoàn lớn hay chính phủ các nước phương Tây thường công bố các tin xấu vào thứ Sáu hoặc trước các dịp nghỉ lễ lớn không? Họ có nghĩa vụ thông báo với công luận về kết quả hoạt động kinh doanh tệ hại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng… nhưng vẫn hy vọng cuối tuần và các ngày nghỉ lễ có thể làm dư luận sao nhãng và giảm thiểu được các phản ứng trái chiều.

Trong một bài diễn thuyết TED Talk, nhà báo Carole Cadwalladr đã phát biểu: Trước cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016, các quảng cáo Facebook nhắm tới những đối tượng người dùng đặc biệt đã khiến mọi người tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia nhập EU, việc này sẽ khiến dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đổ vào Vương quốc Anh tăng chóng mặt. Tất nhiên chuyện đó đã không xảy ra nhưng sự thật là phe ủng hộ Brexit đã tung ra các chiêu thức làm nhiễu loạn thông tin nhằm tăng lượng người bỏ phiếu tán thành Brexit.

Áp lực thời gian và Cơ hội

Đây đều là những chiêu thức bán hàng kinh điển và chúng thường được kết hợp để tối đa hóa tác dụng. Các siêu thị áp dụng chiêu thức này rất nhiều. Khuyến mãi “mua 1 tặng 1” (cơ hội) cá ngừ đóng hộp trong 1 tuần duy nhất (áp lực thời gian) khiến khách hàng cảm thấy mình phải mua cá chất đầy tủ lạnh ngay lập tức. 

Tương tự, các đợt khuyến mãi theo ngày như Black Friday hay Cyber Monday cũng khiến chúng ta tiêu tiền nhiều hơn, các kiểu “ngày” nhà cung ứng bịa ra như vậy tạo cho khách hàng một tâm lý nóng vội vừa ảo vừa chân thực. Theo Conran: “Con người khi bị áp lực dễ mắc sai lầm… việc chi phối tâm lý khách hàng sẽ dễ dàng hơn khi đặt khách hàng dưới áp lực thời gian thay vì để họ có nhiều thời gian để nghiên cứu.”

Cơ hội tồn tại ở những trạng thái khó phát hiện hơn. Bạn nghĩ các tài khoản mạng xã hội, dịch vụ trực tuyến miễn phí… bạn đăng ký là hời ư? Thực chất không ai cho không chúng ta cái gì. Có thể là tiền bạc, thời gian hay dữ liệu, chúng ta luôn phải trả lại cho nhà cung ứng điều gì đó.

Bị lừa không phải vì ngốc mà vì bị “bắt thóp”: Bóc mẽ 5 chiêu thức các nhãn hàng, tội phạm lừa đảo và giới cầm quyền phương Tây thường dùng để “dắt mũi” khách hàng và công luận - Ảnh 2.

Tuân thủ trách nhiệm xã hội và Hiệu ứng lan truyền

Theo Conran, tuân thủ trách nhiệm xã hội thể hiện thái độ của một cá nhân đối với những người làm công quyền, đeo trên ngực biển hiệu và mặc đồng phục. Mặc dù yếu tố này rất quan trọng để đảm bảo xã hội được vận hành ổn định – hình ảnh xe cảnh sát có thể khiến các tài xế giảm tốc độ ngay lập tức – nó có thể khiến nhiều người bị “dắt mũi” bởi những trùm lừa đảo như Bernie Madoff, kẻ lợi dụng vẻ ngoài đạo mạo và uy tín của mình để thực hiện hành vi lừa đảo hay các tội phạm lạm dụng che đậy bản chất bệnh hoạn bởi tấm mặt nạ công dân lương thiện và có địa vị xã hội cao. (Xem thêm: Sai lầm đánh giá bản chất con người qua case studies về những ác nhân tai tiếng trong lịch sử)

Hiệu ứng lan truyền là cách “chúng ta tham khảo hành vi của người khác để điều chỉnh hành vi của mình”. Conran chia sẻ: “Đây là công cụ vô cùng mạnh. Là một tên bịp bợm, tôi hiểu rằng tất cả những gì tôi cần làm là chi phối môi trường xung quanh bạn để buộc bạn phải cư xử theo cách tôi muốn.”

Hiệu ứng lan truyền có thể bắt gặp dễ dàng ở sân bay. Mặc dù còn lâu mới tới giờ bay, phần lớn chúng ta đều quan sát những hành khách xung quanh để biết nơi xếp hàng lên máy bay bắt đầu từ đâu. Sau khi một vài người tập trung gần cổng lên máy bay, phần lớn chúng ta sẽ tiến lại gần khu vực đó đẩy số lượng người trong đám đông tăng lên. 

Hiệu ứng lan truyền cũng là yếu tố thúc đẩy hành vi người dùng trên Facebook, Twitter và các nền tảng công nghệ khác. Như quả cầu tuyết càng lăn xuống dốc càng to, một lượng lớn “like” sẽ thu hút thêm nhiều người nhấn “like” vì người ta sẽ dễ dãi “chấp nhận” hơn khi thấy nhiều người khác trong cùng mạng xã hội ủng hộ một nội dung nào đó. 

Nắm được 5 chiêu thức trên, giờ bạn đã có thể nhận diện các chiêu lừa đảo và nhận ra những tình huống mà mình bị “dắt mũi”.