Biết được lợi ích của mỗi cái nấc cụt, mẹ sẽ vui vì bé sơ sinh nhà mình hay nấc đấy!

15-12-2019 - 08:31 AM

Theo nghiên cứu mỗi tiếng nấc kích hoạt ba sóng não riêng biệt ở trẻ sơ sinh giúp các em bé liên kết âm thanh của tiếng nấc với sự co thắt của cơ hoành.

Với các cha mẹ, nhất là các ông bố bà mẹ trẻ, sẽ không khỏi lo lắng khi em bé mới sinh của mình cứ thường xuyên bị nấc cụt. Và bạn sẽ càng lo lắng hơn khi ngay cả các nhà khoa học vẫn không thể biết chính xác nguyên nhân vì sao trẻ sơ sinh hay bị nấc. Song theo một nghiên cứu mới đây cho biết quá trình nấc có thể là một phần quan trọng trong sự phát triển não của em bé.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học London (Anh) và được công bố trên tạp chí Lâm sàng Thần kinh học, cho thấy nấc cụt - xảy ra do các cơn co thắt mạnh của cơ hoành được kích thích bởi các cơ bắp - có thể kích hoạt hoạt động điện trong não giúp em bé học cách làm thế nào để điều hòa nhịp thở của chính mình.

Nghiên cứu mới cho thấy nấc cụt có thể giúp phát triển trí não của trẻ sơ sinh - Ảnh 1.

Nấc cụt có thể kích hoạt hoạt động điện trong não giúp em bé học cách làm thế nào để điều hòa nhịp thở của chính mình (Ảnh minh họa).

Cụ thể các nhà nghiên cứu đã xem xét 217 trẻ sơ sinh được sinh ra trong khoảng từ 30 đến 42 tuần. Họ đã ghi lại hoạt động não của các bé bằng các điện cực được đặt trên da đầu. Họ cũng đặt các cảm biến chuyển động lên bụng các bé để xác định thời điểm xảy ra nấc cụt.

Kết quả cho thấy nấc cụt thường xảy ra trong lúc em bé tỉnh táo hoặc ngủ sâu. Mỗi tiếng nấc kích hoạt ba sóng não riêng biệt ở tất cả các trẻ sơ sinh. Và các nhà nghiên cứu tin rằng điều này giúp các em bé liên kết âm thanh của tiếng nấc với sự co thắt của cơ hoành.

Bà Kimberley Whitehead, tác giả chính của cuộc nghiên cứu làm việc tại Khoa Thần kinh học thuộc trường Đại học London, nói: "Lý do tại sao chúng ta nấc không thể được xác định một cách chính xác rõ ràng, nhưng chắc chắn phải có một lý do nào đó liên quan đến sự phát triển nên thai nhi và trẻ sơ sinh mới nấc nhiều như vậy".

Ngoài ra, Tiến sĩ Lorenzo Fabrizi, một nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học London cho biết: "Hoạt động do nấc cụt có thể giúp não bé học cách theo dõi các cơ hô hấp, để cuối cùng có thể thở trong sự kiểm soát bằng cách di chuyển cơ hoành lên xuống".

Ông Lorenzo cũng nói thêm rằng: "Khi một đứa trẻ được sinh ra, các mạch xử lý cảm giác cơ thể chưa được phát triển đầy đủ, vì vậy việc thiết lập các mạng lưới như vậy là một cột mốc phát triển quan trọng đối với trẻ sơ sinh".

Nghiên cứu mới cho thấy nấc cụt có thể giúp phát triển trí não của trẻ sơ sinh - Ảnh 2.

Nếu bé đang bú mà bị nấc, cha mẹ nên cho bé nghỉ bú tạm thời, điều này có thể giúp bé thoát khỏi nấc cụt. Vỗ lưng nhẹ cũng là cách giúp bé giảm nấc (Ảnh minh họa).

Vậy cha mẹ cần làm gì khi con bị nấc cụt:

- Vỗ ợ hơi: Nếu bé đang bú bị nấc cha mẹ nên cho bé nghỉ bú tạm thời, điều này có thể giúp bé thoát khỏi nấc cụt. Vỗ lưng nhẹ cũng là cách giúp bé giảm nấc.

- Sử dụng núm vú giả: Khi bé bắt đầu nấc, cha mẹ hãy thử cho bé mút núm vú giả vì điều này sẽ giúp thư giãn cơ hoành và có thể cải thiện hiện tượng nấc cụt.

- Để nấc tự hết: Thông thường, các trẻ sơ sinh bị nấc sẽ tự ngừng cơn nấc. Nếu như nấc cụt không làm phiền bé, mẹ nên để cơ thể bé tự điều chỉnh nhé.

- Uống liên tục nhiều ngụm nước nhỏ: Nếu cha mẹ thấy dường như bé cảm thấy không thoải mái do nấc cụt, như quấy khóc, khó chịu thì cha mẹ có thể thử cho bé uống nước, từng thìa nhỏ một, uống liên tục vài ba lần.

Nguồn: Parents, Kids