[Case Study] “Công nghệ” du lịch Singapore: Không cần “rừng vàng biển bạc”, chỉ cần bàn tay và khối óc con người

27-06-2018 - 14:03 PM

20 năm trước, Singapore là một nước “công nghiệp” đến mức … nhàm chán, người dân Sing chỉ biết hì hục “cày cuốc” để chờ ngày qua Thái Lan hay Việt Nam để nghỉ dưỡng.

Nội dung nổi bật:

Bối cảnh: Vào những năm 90, Singapore trở nên nổi tiếng với danh hiệu "Quốc gia … chán nhất Đông Nam Á". Nghĩ đến Singapore là du khách chỉ biết đến văn hóa làm việc 24/7.

Kế hoạch: Không cần thiên nhiên, cũng chả cần di tích, Singapore lên kế hoạch xây dựng cho mình một "nền công nghiệp" du lịch chuyên nghiệp, từ Casino, bãi biển cho tới ẩm thực …

Kết quả: Vượt qua mọi định kiến, Singapore đón hơn 17,4 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, gấp 3 lần dân số trong nước. Không những thế "công nghiệp du lịch" Singapore còn hiệu quả đến mức biến quốc gia này trở thành nơi tiêu tiền số 1 tại Châu Á – Thái Bình Dương của du khách.


Singapore – một cá chép hóa rồng

[Case Study] “Công nghệ” du lịch Singapore: Không cần “rừng vàng biển bạc”, chỉ cần bàn tay và khối óc con người - Ảnh 2.

Vào giữa những năm 90, Singapore là một trong những nước có hình ảnh quốc tế có thể nói là… "lạ đời" nhất. Xét về khía cạnh kinh tế, đây là một "thiên đường" đối với những lao động phương Tây: Hiện đại, sạch sẽ, an toàn với Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, ngoài ra thì Singapore còn sở hữu thị trường bất động sản chất lượng với nhiều nhà hàng quốc tế phù hợp với mọi khẩu vị. Nếu đến đây để làm việc, Singapore hứa hẹn một cuộc sống "chuyên nghiệp" với mức lương rủng rỉnh.

Nhưng xét về giải trí, Singapore là một nước nghiêm túc đến… chán ngắt. Người dân Singapore như những con "robot" làm việc ngày đêm để chờ được "giải thoát" tại các thiên đường nhiệt đới như Thái Lan, Việt Nam, hay bất cứ nơi nào mà các hàng quán không đóng cửa vào đúng 10 giờ tối, kể cả cuối tuần. Singapore như là một "văn phòng làm việc" nếu so với các hàng xóm "vui chơi" của mình: Bạn có thể đến Singapore để kiếm tiền, nhưng không ai muốn đến Singapore để du lịch cả.

Tuy nhiên, chỉ 20 năm sau đó, du lịch đã trở thành một trong những điểm mạnh của nền kinh tế Singapore. Số lượng khách quốc tế đã tăng gấp đôi so với những năm 1990. Vào năm 2017, 17,4 triệu lượt khách đã đến quốc gia nhỏ bé này, gấp 3 lần so với dân số Singapore và đóng góp tới 12 tỷ USD cho nền kinh tế.

Không những thế, Singapore đã mang hình ảnh một đất nước "thú vị", đầy hấp dẫn và "nhiệm màu" đến mức trở thành nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Bắc Triều.

Vậy, chuyện gì đã xảy ra? Làm thế nào mà Singapore biến mình từ "văn phòng quốc tế" trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Hong Kong?


Ngành vận tải "đỉnh cao"

[Case Study] “Công nghệ” du lịch Singapore: Không cần “rừng vàng biển bạc”, chỉ cần bàn tay và khối óc con người - Ảnh 3.

Nếu muốn chọn một cột mốc cho sự phát triển du lịch của Singapore, thì đó chính là ngày mở rộng sân bay Changi vào năm 1977. Đầu mối giao thông này đã đón nhận 62,2 triệu lượt khách vào năm 2017, một con số khổng lồ nếu so với chỉ 12 triệu lượt vào năm 1982.

Không chỉ hiệu quả cao, Changi còn là sân bay được kết nối rộng khắp thế giới, sở hữu các khu vực ẩm thực, nghỉ ngơi với dàn ánh sáng được mở 24/7.

Kể từ lúc Skytrax bắt đầu công bố giải thưởng "Sân bay của năm" vào năm 2000. Changi đã giật giải nhất tổng cộng 9 lần, trong đó có thời điểm 6 năm liền được giải! Singapore còn vượt qua cả những đất nước đi trước như Hong Kong (7 lần thắng cuộc), hay Seoul (2 lần thắng cuộc).

Chính quyền Thái Lan và Malaysia cũng đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ để mong sở hữu một "Changi thứ hai", nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Không những thế, hãng hàng không Singapore Airlines còn đem về hàng "núi" giải thưởng. Từ hạng ghế thương nhân tốt nhất tới "Rượu Vang trên máy bay tốt nhất"… Bạn có thể dễ dàng vào website Singapore Airlines và thấy họ đã ôm gần 40 giải thưởng khác nhau chỉ tính trong năm nay!


Hạ tầng kiến trúc "chuẩn từng milimet"

Với diện tích quá khiêm tốn của mình, Singapore đã chứng minh với thế giới rằng không phải cứ rộng là tốt.

Singapore đem đến cho du khách một thảo cầm viên với định hướng mở, vừa cung cấp không khí trong lành cho thành phố, vừa là một chỗ nghỉ mát của người dân, vừa là một điểm thu hút du khách quốc tế. Để tận dụng diện tích quý báu của mình, Singapore còn tung ra chương trình "Safari về đêm", cho du khách tham quan vào ban đêm.

Nổi tiếng không kém là Công viên giải trí Universal, nơi Singapore đem các công trình lừng danh trên thế giới về làm công cụ "kiếm tiền" cho quốc gia.

[Case Study] “Công nghệ” du lịch Singapore: Không cần “rừng vàng biển bạc”, chỉ cần bàn tay và khối óc con người - Ảnh 4.

Về thương mại, Singapore quy hoạch cả một Orchard Road với vô số các thương hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới, từ thời trang nhanh Uniqlo đến trang sức xa xỉ Cartier, tất cả đều nằm trên một đại lộ thẳng tắp.

Không thua kém những bãi biển "dài dằng dặc" của hàng xóm, đảo Sentosa tại Singapore cung cấp một trải nghiệm nhiệt đới đích thực, nơi mà Donald Trump và Kim Jong Un tổ chức cuộc gặp gỡ thế kỷ.


Và tụ điểm "ăn chơi" đa dạng

[Case Study] “Công nghệ” du lịch Singapore: Không cần “rừng vàng biển bạc”, chỉ cần bàn tay và khối óc con người - Ảnh 5.

Không chỉ là cửa ngõ của nhiều nền kinh tế, Singapore còn là điểm giao thoa của rất nhiều văn hóa khác nhau, từ Trung Hoa, Malay và Ấn Độ trong nước, tới các "hàng xóm" đạo Hồi và đạo Phật. Chưa kể tới hàng chục triệu du khách khắp mọi ngõ ngách trên thế giới đến tham quan mỗi năm, Singapore khoác lên cho mình một hình ảnh "quốc tế" không nước nào sánh được.

Để phục vụ cho vô số sắc thái đó, Marina Bay và World Sentosa sở hữu một loạt những trung tâm casino khổng lồ, đem về hơn 5,1 tỷ USD lợi nhuận chỉ trong năm đầu tiên mở cửa. Tuy vẫn chưa sánh được với những "kinh đô cờ bạc" như Macau hay Las Vegas, Singapore mở ra cho du khách một thú vui "hiếm có" trong khu vực.

[Case Study] “Công nghệ” du lịch Singapore: Không cần “rừng vàng biển bạc”, chỉ cần bàn tay và khối óc con người - Ảnh 6.

Và không thể không kể đến nền ẩm thực tại Singapore, là sự hòa quyện của Trung Quốc, Mã Lai và Ấn Độ, ẩm thực tại đây không chỉ mang đậm sắc thái Châu Á mà còn đem tới vô vàn sự lựa chọn cho khách hàng, từ ẩm thực đường phố chuẩn "sao Michelin" đến những bữa ăn xa xỉ đứng đầu thế giới.

Nhưng người hùng thầm lặng ở đây vẫn là chính quyền Singapore, mở đầu bằng cuộc "sát hạch" thức ăn đường phố vào những năm 70 và 80, đến chương trình quảng bá thông qua ẩm thực "Singapore Takeout", đem những đầu bếp nổi tiếng thế giới và đồng thời là lượng fan đông đảo của họ đến với quốc gia này.


Kết quả

Không chỉ là du lịch mà là một "ngành công nghiệp du lịch". Singapore thực hiện một chính sách phát triển du lịch vừa thực dụng vừa hiệu quả: Chúng tôi không quan tâm bạn là ai, nhưng nếu bạn có tiền và sẵn sàng tiêu tiền, Singapore sẽ hết lòng phục vụ. Nào là trung tâm mua sắm, nhà hàng, bãi biển, bệnh viện, thảo cầm viên… tất cả những gì bạn không tìm thấy, hoặc tìm thấy nhưng lại quá mắc ở quê nhà.

Trong khi các nước láng giềng ra sức "khoe" những danh lam thắng cảnh, những văn hóa đặc sắc, những kỳ quan thiên nhiên … Singapore "bình tĩnh" đem đến một giá trị đúng chất du lịch và đứng đầu danh sách những địa điểm đáng "tham quan lần nữa" trên toàn Châu Á.

[Case Study] “Công nghệ” du lịch Singapore: Không cần “rừng vàng biển bạc”, chỉ cần bàn tay và khối óc con người - Ảnh 7.

Tính đến năm 2016, tuy chỉ đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về lượng du khách với 13,22 triệu lượt, Singapore tự tin vượt mặt nước đầu bảng Thái Lan với doanh thu 15,7 tỷ USD (so với 14,1 tỷ của Thái).

Còn trên bảng xếp hạng thế giới, Singapore hiện đang đứng thứ 5 trên 132, trở thành một minh chứng sống cho thành quả đem lại từ bàn tay và khối óc của con người.


Xem các bài viết cùng series: