“Chánh Văn” Hoàng Anh Tú: Kinh doanh hải sản dễ nhất, nhưng cũng nhanh “chết” nhất

12-08-2017 - 13:56 PM

Được biết đến với vai trò Chánh Văn của báo Hoa Học Trò, nhà văn, nhân vật “nổi tiếng” trên mạng xã hội với nhiều status ủng hộ phụ nữ, anh Hoàng Anh Tú còn là người đứng sau hai chuỗi nhà hàng tại Hà Nội và một thương hiệu rèm mới khai trương.

Trong chương trình Cafe8 phát sóng độc quyền trên Fanpage Cafebiz, anh Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ thú vị liên quan đến con đường kinh doanh của bản thân cũng như lý do bắt đầu với lựa chọn mở nhà hàng hải sản.

Anh cho biết việc kinh doanh, cũng như làm báo, đến với anh là cơ duyên. Thời điểm năm 2013, vợ anh đang làm giám đốc một sàn bất động sản khá lớn ở Hà Nội, nhưng có cãi nhau với sếp nên “cảm giác không muốn đi làm”. Bản thân anh cũng muốn mở quán ăn để anh em nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu cùng nhau.

Vậy là hai vợ chồng anh bán chiếc chiếc ô tô Hàn Quốc thời bấy giờ được 300 triệu đồng, lấy tiền đầu tư vào nhà hàng hải sản đầu tiên tại phố Lò Đúc (Hà Nội) với thương hiệu “Hải sản 3 yêu tinh”.

Mình có tuyên ngôn một là đi xe đạp, hai là đi xe đẹp, cuối cùng thành công”.

Tuy nhiên nhớ lại thời điểm bắt đầu vào tháng 3/2013, anh Chánh Văn ngày nào cho biết lúc ấy rất khó khăn, do anh vừa đi làm báo và chiến đấu với sự sụt giảm của báo giấy, lại vừa mở nhà hàng riêng.

Nhà hàng chỉ hơn 40m2,, có 4 tầng, trong đó 3 tầng dành cho khách, một tầng để làm bếp. Vì chưa có kiến thức gì nên mọi chuyện đều nghe theo lời bếp trưởng, “ví dụ bếp trưởng bảo làm tôm đông lạnh cũng được, không vấn đề gì, thì cũng nghe theo”. Kết quả là nhiều khách hàng đến ăn có phản hồi không tốt, nhà hàng dùng hải sản không tươi.

Rồi nhân sự cũng là một vấn đề. Có thời điểm, toàn bộ nhân viên bếp đồng loạt xin nghỉ lúc 6h chiều, thời điểm khách chuẩn bị vào ăn tối. Hai vợ chồng phải làm nốt đồ ăn đã nhận cho khách, rồi xin lỗi và lấy lý do cửa hàng mất điện để đóng cửa.

“Nếu là người khác sẽ dừng luôn nhưng với mình, được sự ưu ái của lượng bạn đọc yêu mến nhiều năm, họ vẫn bao dung, ủng hộ, cộng với sự giúp đỡ của của bạn bè, nhiều người chia sẻ, kêu gọi khách đến ăn, thậm chí còn chân đất chạy bưng bê giúp đỡ nên mình đã có được ngày hôm nay”, anh Tú nhớ lại.

Đến nay nhà hàng hải sản đã có 3 cơ sở tại Hà Nội, trong đó cơ sở đầu tiên sau 3 tháng là thu hồi vốn, cơ sở thứ hai và thứ ba cũng chỉ mất 6 tháng và 1 năm là thu hồi vốn.

Theo anh Tú, kinh doanh hải sản là ngành dễ nhất vì tìm đầu bếp không khó, đầu bếp hải sản nhiều khi không được người trong giới đánh giá cao. Quan trọng hơn, bản thân hải sản đã ngon rồi, nhiều khi thêm gia vị còn làm cho hải sản... bớt ngon đi.

“Nhiều nơi có sử dụng gia vị át đi mùi hải sản đông lạnh, nên với hải sản càng nguyên sơ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Với người sành ăn thì hấp là ngon nhất”.

“Ở Hà Nội hiện nay, số lượng quán kinh doanh hải sản rất nhiều. Hải sản dễ làm nên một người mới học nghề cũng có thể xuống bếp chế biến hải sản được”.

Tuy nhiên anh cũng thừa nhận, kinh doanh hải sản là ngành dễ "chết" nhất vì hải sản không để quá lâu được, thậm chí nhiều nguyên liệu dù còn sống nhưng sau hai ngày không còn ngon nữa. Ví dụ, bề bề sau tầm 2-3 thì thịt sẽ tóp lại, cua mở ra cũng óp hết thịt và gạch, vì “cái chết bên trong diễn ra nhanh hơn cái chết bên ngoài”.

“Càng là nguyên liệu quý hiếm thì càng dễ chết, mà không thể bán đồ chết cho khách được. Kể cả là người không sành ăn lắm thì ăn tôm ngất với tôm tươi đã thấy khác rồi. Nhiều người mở cửa hàng hải sản nhưng nếu không đủ khách để luân chuyển thì dăm bữa nửa tháng là nghỉ, nên tỷ lệ nhà hàng hải sản đóng cửa rất lớn”.

Anh Tú cũng thừa nhận khi có chút danh tiếng thì lợi thế kinh doanh lớn hơn, đó là lý do nhiều người bán hàng hiện nay có thể bịa ra một câu chuyện nào đó để câu like, câu share và tạo tiếng tăm.

“Tôi nghĩ nếu tôi không là Hoàng Anh Tú, không từng làm Chánh Văn, không sở hữu Facebook có hơn 50.000 lượt theo dõi thì tôi sẽ rất khó khăn khi mở nhà hàng, vì không có sự ủng hộ ban đầu, không có sự bảo vệ khi gặp vấn đề”.

Anh nhớ lại thời điểm ban đầu, khi nhiều người lên mạng chửi bới, dùng lời lẽ chê bai thậm chí làm anh cảm thấy “đau đớn, sợ hãi Facebook” thì không ít những người bạn, dù chưa gặp lần nào đã lên kêu gọi sự thông cảm, giải thích nhà hàng mới mở nên cần góp ý trực tiếp, thay vì tung luôn lên mạng.

Tuy nhiên anh khẳng định, sự nổi tiếng chỉ có giá trị giai đoạn đầu, còn tồn tại trên thị trường thế nào lại nằm ở chất lượng sản phẩm.

“Tôi tin kể cả Brad Pitt hay Tom Cruise mở nhà hàng mà đồ ăn không ngon thì sẽ thất bại”, nhà văn hóm hỉnh kết luận.