Chính phủ đồng hành, ngành GTVT phải tiếp tục đột phá

11-01-2019 - 15:07 PM

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của ngành để GTVT luôn là ngành “đi trước mở đường”, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo tiền đề cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ GTVT diễn ra sáng 11/1 tại Hà Nội.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2019 là năm thứ 4 thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và là năm thứ 9 thực hiện chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020. Bối cảnh trong nước, quốc tế bên cạnh những mặt thuận lợi, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường.

Do đó, đặt ra cho ngành GTVT nói chung và Bộ GTVT những nhiệm vụ hết sức nặng nề để tiếp tục đột phá về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó đặc biệt là hạ tầng GTVT nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, tạo tiền đề cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

"Ngành GTVT phải tập trung tham mưu cho Chính phủ các giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ; tập trung tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng; đồng thời tái cấu trúc các lĩnh vực dịch vụ vận tải để giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", Phó Thủ tướng nói.

Chú trọng hoàn thiện thể chế

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chuyên ngành GTVT.

"Phải xác định đây là nhân tố hàng đầu quyết định tạo môi trường để phát triển, và cũng là nhân tố quyết định tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; là nhân tố quyết định việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để quản lý nhà nước chuyên ngành hiệu quả hơn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ GTVT phải tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến kết cấu hạ tầng GTVT.

Trong đó, cần quyết liệt chỉ đạo triển khai xây dựng 5 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển, đường thuỷ nội địa.

"Các quy hoạch phải đảm bảo kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp với các cảng biển; kết nối giữa quy hoạch phát triển các mạng giao thông vùng và kết nối đồng bộ với mạng lưới quốc gia", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Trên cơ sở quy hoạch, Bộ GTVT sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó chú ý xây dựng lộ trình thực hiện dự án đầu tư gắn với kế hoạch hoá nguồn vốn đầu tư và xác định cơ cấu nguồn vốn, xác định các dự án ưu tiên đầu tư làm cơ sở để thực hiện đầu tư xây dựng.

Đầu tư nhanh, bảo đảm chất lượng

Một yêu cầu với Bộ GTVT được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý là phải đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, đầu tư xây dựng các dự án giao thông lớn gắn với nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ.

Trong đó, có các tuyến cao tốc Bắc Nam, cao tốc Trung Lương-Cần Thơ; Cảng hàng không Long Thành, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài; nâng cấp cải tạo đường sắt; đầu tư phát triển các cảng biển (Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải)…

Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công Thương, ngành than sớm nghiên cứu đầu tư các cảng chuyên dùng xuất nhập khẩu than, bởi đây là vấn đề gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để tăng tính kết nối, đồng bộ, đảm bảo hiệu quả đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm nghiên cứu các tuyến giao thông kết nối với các tuyến cao tốc như kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc với cao tốc Nội Bài-Lào Cai (Tuyến cao tốc Hoà Bình-Mộc Châu; Lạng Sơn - Cao Bằng; Đồng Đăng-Trà Lĩnh…); các tuyến kết nối với cao tốc Bắc Nam.

Chính phủ đồng hành, ngành GTVT phải tiếp tục đột phá - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT sớm hoàn thành các công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường thuỷ nội địa, đặc biệt là dự án xử lý các nút thắt của giao thông thuỷ nội địa như Kênh Chợ Gạo, Cầu Đuống; các dự án giao thông quan trọng khác như Quốc lộ 60, cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu2; hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM…

Đối với giao thông nông thôn, Phó Thủ tướng yêu cầu phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn. Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực. Đồng thời, cần có giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra với hạ tầng GTVT, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn.Nỗ lực hơn nữa để kéo giảm tai nạn giao thông

Phối hợp chặt chẽ

Thẳng thắn nhìn nhận những nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông thời gian qua tuy đã có hiệu quả, nhưng chưa đạt mục tiêu, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, các sự cố mất an toàn hàng không tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT cần khẩn trương rà soát lại các quy định, phương pháp tổ chức, phân luồng giao thông; phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương để triển khai các biện pháp tổng thể nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

"Bộ GTVT cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Công an và các địa phương tăng cường các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, bảo đảm kéo giảm tai nạn giao thông cả năm 2019 và những năm tiếp theo, trước mắt là thời kỳ cao điểm dịp nghỉ Tết và mùa lễ hội Xuân năm 2019".

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải đổi mới công tác quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành để kịp thời điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng xe; công tác tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe.

Đối với các dự án BOT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT kịp thời xử lý có hiệu quả các vướng mắc, tồn tại trong quá trình thu phí hoàn vốn các dự án, không để phát sinh các điểm nóng, gây mất trật tự an toàn xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, hoàn thành thắng lợi Kế hoạch năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị trước hết ngành GTVT cần nâng cao năng lực của ngành thông qua rà soát tái cấu trúc ngành giao thông về chức năng nhiệm vụ, mô hình tổ chức, chất lượng nguồn nhân lực…; tái cấu trúc các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành GTVT để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của ngành, để GTVT luôn là ngành "đi trước mở đường", góp phần phát triển KT-XH đất nước.

"Tôi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến phạm vi trách nhiệm của mình để thúc đẩy GTVT phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính quyền, nhân dân các địa phương cần quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông; tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình; tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của ngành GTVT (nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Chính phủ đồng hành, ngành GTVT phải tiếp tục đột phá - Ảnh 2.

Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi cố tình gây mất trật tự an ninh xã hội tại các trạm thu phí BOT.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thông báo kế hoạch vốn đầu tư để các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ GTVT kịp thời triển khai giải ngân, bảo đảm kế hoạch được giao.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong xử lý các tồn tại, vướng mắc cũng như triển khai các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy 5 Tổng công ty vừa được chuyển giao từ Bộ GTVT về Ủy ban ổn định, phát triển.