Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Dự báo dân số Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025 là 10 triệu người nhưng nay đã đạt 13 triệu người

17-08-2017 - 10:54 AM

Đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo quy mô dân số đến năm 2025 của TP là 10 triệu người, nhưng năm 2017 đã đạt 13 triệu người.

Trong phiên chất vấn của UBTVQH với Bộ trưởng bộ xây dừng Phạm Hồng Hà ngày hôm qua, về xử lý ùng tắc giao thông, ngập lụt trong đô thị được các đại biểu quốc hội đạt ra. Đại diện UBND Tp. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo quy mô dân số đến năm 2025 của TP là 10 triệu người, nhưng năm 2017 đã đạt 13 triệu người.

"Con số thống kê chỉ 8,4 triệu người, nhưng số người thường xuyên sinh sống và làm việc trên địa bàn TP thì lên đến 13 triệu người", ông Nguyễn Thành Phong cho biết. Như vậy, "TP Hồ Chí Minh đang chịu áp lực rất lớn về dân số, tác động lên toàn hệ thống hạ tầng giao thông".

Theo thống kê hiện trên địa bàn thành phố này có khoảng 7,6 triệu xe gắn máy và 700.000 xe ô tô. Trung bình mỗi tháng có 30.000 phương tiện mới đăng ký, tính ra mỗi ngày có 1.000 phương tiện tham gia giao thông đăng ký mới. Trong khi đó, đường sá không mở rộng, các công trình giao thông không giải quyết kịp với lượng phương tiện tham gia giao thông. Với sự phát triển cùng với sự gia tăng quy mô dân số, gia tăng phương tiện tham gia giao thông tạo ra áp lực rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP. 

Số liệu của Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM từng đánh giá mức độ thiệt hại do ùn tắc giao thông tại gây ra. Theo đó ước tính thành phố bị mất trung bình 2,4 tỷ đồng cho mỗi giờ tắc đường. Con số này chỉ là ước tính thiệt hại về nhiên liệu, chưa kể đến các hệ lụy về kinh tế khác.

Cụ thể ùn tắc giao thông diễn ra trung bình khoảng 1 giờ đồng hồ thì một phương tiện vận tải phải tốn thêm 5 lít dầu, trong khi TP.HCM hiện có hơn 40.000 phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động mỗi ngày.

Để giải quyết vấn đề tắc đường, trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung, TP Hồ Chí Minh xây dựng các tuyến đường khép kín, các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị… "Vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông chỉ có thể phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng, nhưng thực tế, nguồn vốn ngân sách để giải quyết các tuyến giao thông công cộng hiện không có khả năng, chỉ có thể dựa vào vốn ODA và đầu tư theo hình thức PPP", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trả lời trong phiên chất vấn.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng chủ động giãn dân ra khu vực ngoại thành, góp phần đô thị hóa nhanh chóng khu vực ngoại thành. Tạo nên sự đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội, giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Một mặt, tập trung phát triển các công trình giao thông công cộng. Quản lý chặt chẽ quy hoạch, đối với những quy hoạch đã được phê duyệt với số dân quy định thì dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc. 

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang tập trung xử lý, triển khai các dự án giao thông để giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Trên địa bàn thành phố hiện có 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Do đó bên cạnh việc phát triển giao thông công cộng, triển khai các dự án giao thông, địa phương này cũng chủ động phân luồng, phân tuyến hợp lý, tổ chức các lực lượng, kể cả biên phòng, thanh niên xung phong... cùng phối hợp giải quyết ùn tắc giao thông. 

"Với mức độ gia tăng dân số, kèm theo là việc các phương tiện giao thông phát triển như vậy, dứt khoát ùn tắc giao thông không thể không xảy ra, cho nên chính quyền TP hiện nay chỉ có thể triển khai giải pháp lâu dài để ùn tắc giao thông không xảy ra. Mặt khác, có những dự án giao thông phải triển khai ngày và có giải pháp trước mắt để chống ùn tắc", ông Phong cho biết.