Chuyện học, chuyện ngủ của sinh viên Harvard: Thư viện là nhà, cũng “cú đêm” và stress như ai

17-07-2019 - 20:23 PM

Những chia sẻ của chính sinh viên Harvard sẽ giúp bạn hình dung được phần nào đời sống học tập nơi đây.

Harvard, trường đại học danh tiếng và lâu đời bậc nhất nước Mỹ là ước mơ của nhiều sinh viên trên toàn thế giới. Nhưng với tỷ lệ trúng tuyển chỉ 4,59% (2018), tương đương 1.962 sinh viên được chấp nhận trong tổng số 42.749 đơn đăng ký thì hẳn không phải mơ ước nào cũng thành hiện thực.

Cũng bởi là nơi tụ hội những bộ não, tài năng xuất sắc bậc nhất nên việc học, việc chơi hay thậm chí việc ngủ của sinh viên Harvard luôn là đề tài khiến nhiều người quan tâm, tò mò. Họ dành bao nhiêu thời gian cho việc học mỗi ngày? Họ ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?

Câu trả lời đương nhiên là: Tùy! Mỗi cá nhân đều có định hướng và phương pháp riêng, không ai giống ai. Tuy nhiên, những chia sẻ từ chính các sinh viên Harvard sẽ có thể giúp bạn hình dung phần nào môi trường, đời sống học tập nơi đây.

Câu chuyện đầu tiên được kể bởi Mashroof Hossain, một cựu sinh viên MPA (Thạc sĩ Hành chính công) của Harvard Kennedy, người hiện nay đã trở thành Trợ lý giảng dạy tại chính ngôi trường này. Anh chỉ đến lớp để điểm danh mà không học hành gì trong những tuần đầu tiên và chỉ khi deadline hay kỳ thi gần, Hossain mới lao vào làm bài tập.

"Vài tuần cuối của học kỳ nói chung là điên rồ, mọi người đều thức thâu đêm. Trong những tuần "địa ngục" đó, tôi học trung bình 10 đến 12 giờ mỗi ngày.", anh kể lại.

Cứ mỗi khi có bài kiểm tra hay kỳ thi đến, anh lại chọn "cắm rễ" trong thư viện Lamont.

Chuyện học, chuyện ngủ của sinh viên Harvard: Thư viện là nhà, cũng “cú đêm” và stress như ai - Ảnh 1.

Góc học tập của Hossain tại thư viện Lamont.

Phần còn lại của học kỳ, anh thường ghé đến Harvard COOP Book shop để nghiên cứu những cuốn sách chẳng liên quan gì đến học thuật.

Chuyện học, chuyện ngủ của sinh viên Harvard: Thư viện là nhà, cũng “cú đêm” và stress như ai - Ảnh 2.

Harvard COOP Book shop

Hossain cũng cho biết điểm CGPA không quá quan trọng, miễn là bạn tốt nghiệp, bởi hệ thống Harvard được xây dựng để sinh viên dành sự quan tâm, lo lắng nhiều hơn cho việc học thay vì những con số.

Trường hợp của Mashroof Hossain không hề hiếm tại Harvard. Một giảng viên khác cũng từng theo học tại trường nhớ lại những ngày ôn thi đỉnh điểm: "Tôi sẽ có một bài kiểm tra cuối kỳ vào ngày mai lúc 1 giờ chiều, cho một môn mà tôi chưa từng đến lớp buổi nào. Tôi hy vọng rằng sẽ dành 6 đến 8 giờ để tập hợp kiến thức vào một tờ ghi chú, cố gắng ăn sáng với một người bạn để cùng trao đổi về các chủ đề mà chúng tôi nghĩ có thể xuất hiện. Và đương nhiên không thể thiếu cafe". Hẳn nhiều người khi đọc đến đây cũng đang nhìn thấy mình trong đó phải không!

Mùa thi đến, thư viện bỗng trở thành nơi tạm trú của rất nhiều sinh viên, có người thậm chí còn mang thức ăn và chăn đến đây trong cả tuần cuối trước khi thi.

Chuyện học, chuyện ngủ của sinh viên Harvard: Thư viện là nhà, cũng “cú đêm” và stress như ai - Ảnh 3.

Hình ảnh thư viện Lamont tại Harvard lúc 3h sáng (2010) từng gây xôn xao cộng đồng mạng.

Trên diễn đàn Quora, câu hỏi "Sinh viên Harvard thường dành bao nhiêu giờ để ngủ mỗi ngày?" đã thu hút nhiều lượt xem và chia sẻ của cộng đồng mạng. Câu trả lời phổ biến là từ 4 đến 5 tiếng.

Giống như nhiều trường khác, Harvard cũng có một hội "cú đêm" đông đảo, nơi mà những sinh viên thường chạy lịch trình kéo dài 36 đến 48 tiếng liên tục để rồi đổ gục và ngủ suốt 12 giờ sau đó.

Vậy sinh viên Harvard ôn luyện thế nào? Một trong những phương pháp quan trọng được nhiều người theo học đưa ra là "Đọc tài liệu", càng nhiều càng tốt. Những tài liệu liên quan đến môn học có thể tìm thấy rất nhiều ở thư viện của trường. Nhưng hãy hiểu rõ những gì mình đang đọc, không mơ hồ bởi nếu bạn không hiểu, nó chắc chắn sẽ có trong bài kiểm tra.

Chuyện học, chuyện ngủ của sinh viên Harvard: Thư viện là nhà, cũng “cú đêm” và stress như ai - Ảnh 4.

Và với khối lượng môn học, bài tập lớn, nặng tính học thuật cùng vô vàn những hoạt động ngoại khóa khác, việc nhiều sinh viên rơi vào trạng thái stress là điều dễ hiểu và khá phổ biến.

"Trong khi uống cà phê lúc 4 giờ sáng và mệt mỏi với đống bài tập về nhà còn ngổn ngang, ta cũng bắt đầu nghi ngờ bản thân, nhận được sự cay đắng và dần thiếu kiên nhẫn với những bước tiến chậm chạp để vươn tới thành công.", tâm sự của một sinh viên trên tạp chí The Harvard Crimson.