Đầu tư ra nước ngoài để định cư: Xu hướng mới của giới nhà giàu Việt

15-06-2017 - 19:53 PM

Khi sở hữu trong tay một số tiền tiết kiệm đủ lớn, nhiều người Việt bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội định cư tại các quốc gia phát triển.

Những năm gần đây, “đầu tư định cư” hay còn gọi là “định cư theo diện doanh nhân” bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Xu hướng này cho phép các nhà đầu tư Việt Nam chuyển vốn trực tiếp vào một quốc gia khác khác để thiết lập các cơ sở kinh đồng thời xin hưởng quy chế thường trú hoặc định cư lâu dài.

Theo kết quả khảo sát Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2016 của Vietnam Report, khoảng 45% doanh nghiệp “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới, tập trung chủ yếu ở các thị trường như Mỹ, Úc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc.

Bên cạnh nhu cầu mở rộng thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ cao và nâng dần năng lực cạnh tranh của mỗi công ty, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư nhắm đến những quyền lợi đi kèm như quyền được sinh sống, tự do đi lại, quyền trở thành công dân chính thức sau một thời gian khoảng 4-5 năm...

Chia sẻ tại buổi hội thảo đầu tư và định cư do Công ty Tư vấn Di trú AIMS Singapore tổ chức hôm 14/6, chị Hương, hiện làm việc trong lĩnh vực bất động sản, cho biết chị đang tìm kiếm một dự án đầu tư tại Úc, không nhất thiết về bất động sản, nhưng ít rủi ro và quan trọng hơn là mở đường để hai cô con gái (một lớp 3, một lớp 6) được học tập miễn phí tại các trường công lập của Úc.

Vợ chồng một doanh nhân khác, những người từ chối được nêu tên, cũng nói rằng sau mấy chục năm lăn lộn, họ đã tích lũy được số vốn “kha khá” nên mong muốn tìm đất nước nào đó phù hợp để sinh sống và tiện cho cậu con trai lớp 11 đi du học sau này.

“Chúng tôi sẵn sàng đầu tư để hưởng quyền thường trú trước, sau mới tính đến việc xin trở thành công dân chính thức”, người chồng chia sẻ.

Những trường hợp giống như chị Hương, như cặp vợ chồng nói trên không phải hiếm.

Trong khi môi trường kinh tế, xã hội trong nước đang đối mặt với một loạt các vấn đề bất ổn về vệ sinh an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, chất lượng y tế, giáo dục... thì các quốc gia phát triển lại sở hữu hệ thống giáo dục tiên tiến, môi trường sống và phúc lợi xã hội tốt, hệ thống y tế ưu việt, phù hợp cho người trẻ học tập và người già hưởng thụ. Những yếu tố này đã hấp dẫn, thôi thúc một bộ phận người Việt tìm hướng định cư ở nước ngoài.

Báo cáo của World Bank chỉ ra Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ di cư nước ngoài cao nhất khu cực Châu Á-Thái Bình Dương với khoảng 100.000 người mỗi năm. Ước tính chưa đầy đủ của những chuyên gia tư vấn định cư cũng cho thấy mỗi năm, chỉ riêng nhóm doanh nhân thông qua các suất đầu tư nhà đất và dự án nhằm hợp thức việc “đổi màu” hộ chiếu đã mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam khoảng 10-12 tỉ USD.

Mỹ và Úc là hai thị trường được người Việt quan tâm nhiều nhất, mặc dù tại các quốc gia này, việc đầu tư định cư đòi hỏi những điều kiện tương đối khắt khe với mức vốn đầu tư cao.

Ví dụ tại Úc, với định mức cơ bản, nhà đầu tư cần có khoảng 800.000 AUD (hơn 13 tỷ đồng) để đầu tư thành lập một doanh nghiệp mới. Trong trường hợp này nhà đầu tư cần đáp ứng rất nhiều điều kiện (tuổi tác, trình độ quản lý doanh nghiệp, trình độ tiếng Anh…). Ngoài định mức trên, còn có những định mức cao hơn như 1,5 triệu AUD (hơn 25,5 tỷ đồng) để đầu tư vào trái phiếu chính phủ của bang, hay các khoản đầu tư đầu tư trọng yếu trị giá 5 triệu AUD (hơn 83 tỷ đồng) và đầu tư cao cấp trị giá 15 triệu AUD (hơn 255 tỷ đồng).

Đổi lại, nhà đầu tư sẽ trở thành “Thường trú nhân”, được hưởng tất cả các quyền lợi như công dân tại đây ngoài trừ quyền bầu cử, con cái được chăm sóc sức khỏe và học tập miễn phí tại các trường công lập của Úc. Sau 4 năm làm “Thường trú nhân”, nhà đầu tư có quyền xin trở thành công dân Úc trong khi vẫn được phép duy trì hộ chiếu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình đầu tư ra nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nhiều dự án nguy cơ thất bại trước khi nhà đâu kịp chạm tay vào tấm “thẻ xanh”, hoặc nhiều đơn vị tư vấn chỉ "rao" các dự án đầu tư “ảo” để hưởng phí dịch vụ hàng chục nghìn USD còn không quan tâm các cam kết sau đó thế nào. Ngoài ra có những trường hợp công ty tư vấn không nắm rõ luật nhưng vẫn làm hồ sơ cho khách hàng, hồ sơ sau đó bị phía nước ngoài từ chối còn khách hàng vẫn mất phí tư vấn như thường.

“Để an tâm, khách hàng trước hết phải tìm hiểu kỹ chương trình đầu tư mà mình tham gia, khi ký hợp đồng phải yêu cầu đơn vị tư vấn cho gặp trực tiếp bên thứ ba cũng như người đại diện luật pháp của đơn vị đó. Đặc biệt nên tìm hiểu đơn vị tư vấn có chức năng tư vấn về luật di trú hay không, vì hiện nay nhiều đơn vị chỉ làm “chui” hoặc làm trung gian cho công ty có trụ sở nước ngoài cũng tham gia tư vấn”, ông Daniel Lim, thành viên sáng lập Công ty Tư vấn Di trú AIMS chi nhánh Việt Nam kết luận.