ĐBQH đề xuất công dân xuất cảnh phải đóng "phí chia tay" từ 3-5 USD

12-06-2019 - 17:11 PM

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội).

Theo đại biểu, nên quy định khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là “phí chia tay", khoảng 3-5 USD/người.

Góp ý vào dự thảo Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam, tại hội trường Quốc hội sáng 12/6, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn TP Hà Nội) đề xuất Nhà nước thu phí khi xuất cảnh.

Đóng "phí chia tay", khoảng 3-5 USD/người khi xuất cảnh

Theo đại biểu, một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất, nhập cảnh để điều chỉnh lĩnh vực này, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh nên áp dụng thuế hoặc phí.

Đơn cử, năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật áp dụng từ ngày 7/1/2019, mỗi công dân Nhật Bản khi ra nước ngoài thì phải đóng một phí gọi là "phí chia tay" hay gọi là phí du lịch là 1000 yên/người khoảng 9,3 USD.

Phí này họ sử dụng để thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu được 400 triệu USD để hoàn thiện việc xuất, nhập cảnh cho công dân được tốt hơn, xây dựng hạ tầng giao thông du lịch ở một số vùng còn khó khăn và thực hiện một số chính sách khác.

"Nên chăng Việt Nam cũng giống một số nước, là khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là "phí chia tay", khoảng 3-5 USD/người khi xuất cảnh" - đại biểu đoàn TP Hà Nội nêu ý kiến.

Theo ông, số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn. Ngoài ra, một phần để cơ quan xuất, nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc, kỹ thuật cũng như những việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo. Một phần nữa đóng vào quỹ xúc tiến phát triển du lịch để quảng bá và đẩy mạnh du lịch nước nhà.

Ông Nguyễn Quốc Hưng đề nghị, khi công dân ra nước ngoài thì nghĩa vụ cũng phải nói rõ trong luật, phải tuân thủ luật pháp nước sở tại, những quy định của nhà nước Việt Nam. Công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng phải giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Mỗi một công dân cũng phải là một đại sứ du lịch, có trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đất nước, văn hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của người Việt Nam.

Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là xu thế toàn cầu

Bàn về quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử và cổng kiểm soát tự động, đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, hiện đã có trên 120 quốc gia sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử, khu vực Đông Nam Á có Việt Nam và Myanma là chưa sản xuất và sử dụng. Đây là xu thế toàn cầu được Tổ chức hàng không dân dụng khuyến khích sử dụng.

Mục đích của việc phát hành hộ chiếu điện tử nhằm tăng tính xác thực hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả, vi phạm pháp luật. Do đó, việc phát hành hộ chiếu điện tử là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm tăng cường và bảo đảm an ninh, an toàn. Mặt khác chip điện tử trong hộ chiếu tích hợp đầy đủ các dữ liệu về nhân thân và đặc điểm sinh trắc học của người sử dụng lên hộ chiếu điện tử, có thể thay thế giấy tờ tùy thân.

Việc sử dụng hộ chiếu điện tử cũng giúp cho công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu nhanh hơn, chính xác hơn khi áp dụng việc kiểm soát bằng hệ thống kiểm soát tự động.

"Việc kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm thời gian xếp hàng làm thủ tục, tránh tình trạng ùn ứ tại các bục kiểm soát, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng hiện nay" – đại biểu Hà Thị Lan cho biết.

Do đó, đây là 1 giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn. Tuy nhiên để người dân hiểu rõ chức năng và lợi ích của hộ chiếu điện tử thì cơ quan chức năng phải tuyên truyền pháp luật; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án của Chính phủ để khi luật được thông qua thì có thể phát hành được hộ chiếu điện tử./.