Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư!

09-06-2017 - 19:14 PM

Bí bách, uẩn ức và lệ thuộc chính là những tính từ để miêu tả cuộc sống của những con người trên hòn đảo của dân ngụ cư, như những chú dê chờ đến ngày bị cắt cổ.

Đảo của dân ngụ cư có khởi nguồn từ một truyện ngắn có tên Đảo ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến, được nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và Hồng Ánh "thai nghén" dự án này trong vòng 10 năm, từ vai trò diễn viên chuyển sang đạo diễn. 

Trước khi chính thức khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 09/6, Đảo của dân ngụ cư đã "viễn chinh" ở nhiều mặt trận điện ảnh quốc tế, trong đó có LHP uy tín Cannes. Đặc biệt, tại LHP Quốc tế Asean (AIFFA) năm nay, phim còn nhận 8/9 đề cử, đoạt 3 giải thưởng trong đó có giải Phim hay nhất. 

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 1.

Với từng ấy thành tựu và danh tiếng, nhưng chắc chắn Đảo của dân ngụ cư sẽ khó có thể nhận được sự quan tâm tại nước nhà vì vốn dòng phim nghệ thuật luôn là món ăn khó xơi với đại chúng. Nhưng dù như thế thì Đảo của dân ngụ cư vẫn xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật mỹ miều, nhiều xúc cảm và tâm huyết cùng những sự bất ngờ mà giới mộ điệu điện ảnh nên khám phá. 

Phước (Phạm Hồng Phước) là một gã lang thang. Hắn quyết định tạm dừng chuyến hành trình của mình tại một nhà hàng chuyên bán lẩu dê tên là Đêm Trắng. Từ lúc nhận được cái nhìn soi mói của xiếm Hoa (Ngọc Hiệp) và bước vào bên trong cánh cổng luôn đóng kín vào ban ngày của Đêm Trắng, Phước không ngờ cuộc đời mình sẽ thay đổi mãi mãi. 

Ông chủ của Đêm Trắng (Hoàng Phúc) là một người ít nói, độc tài và trông khá đáng sợ. Ông có một cô con gái tên Chu (Ngọc Thanh Tâm). Vì không đi được nên Chu chính là nỗi ô nhục mà ông chủ luôn giấu kín trên căn gác mà không ai được bén mảng đến. 

Tại Đêm Trắng, Phước kết bạn với Miên (Nhan Phúc Vinh), gã thanh niên người Khmer hoang dã và phóng khoáng, kẻ sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời hắn. Trong đám gia nô còn có ông Ahmed (Hoàng Nhân), một người theo đạo Hồi luôn lặng lẽ như dòng thời gian lúc nào cũng ì ạch trong căn nhà cổ. Cuộc đời của Phước và tất cả những con người tại nơi đó bắt đầu dịch chuyển từ lúc hắn xuất hiện, chầm chậm, âm ỉ nhưng cũng đầy cảm giác nhục dục và đê mê. 

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 2.

Truyện ngắn nguyên tác Đảo ngụ cư vốn đã rất khơi gợi trong tâm trí người đọc sự hình dung về căn nhà với nhiều gian và sự ngột ngạt bao trùm. NSND Lý Thái Dũng đã xuất sắc trong công tác đưa những hình ảnh chân thực, đầy tính hình tượng lên màn ảnh rộng, nhận về giải thưởng Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất tại AIFFA 2017 vừa rồi. 

Thật sự mọi khuôn hình trong Đảo của dân ngụ cư đều được tính toán kĩ lưỡng từ ánh sáng, góc máy cho đến nhịp độ di chuyển của nhân vật, như thể những khung cảnh biết nói. Bởi vì ở căn nhà đó, mọi người đều im lặng, lén lút hoặc khe khẽ gọi nhau bằng những thứ quy ước chẳng rõ ràng. 

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 3.

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 4.

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 5.

Nói về sự ẩn dụ, thật sự bộ phim có rất nhiều những khuôn hình đắt giá. Từ cảnh ông chủ đi lộp cộp trên lầu xuống sân cho đến cảnh đàn kiến tha xác một con gián đang chết ngoắc ngoải đều được đưa vào có chủ đích, để minh họa cho cái thay đổi ngấm ngầm diễn ra trong căn nhà đầy những nỗi đau và dục vọng chắp vá. 

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 6.

Nhưng phim vẫn không thiếu những hình ảnh lãng mạn, đậm chất phụ nữ, để khán giả tin rằng người nhào nặn bộ phim đầy ám ảnh này là một nữ đạo diễn. Hình ảnh Chu cầm ngọn nến soi mình qua tấm gương cũ ám màu thời gian hay lúc cô tự cười, tự nói, tự hát cùng những món đồ chơi đều toát lên vẻ quyến rũ nhưng lại đậm đặc cô đơn và sự khao khát. 

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 7.

Khi Phước giả làm chú gà cất lên những tiếng gáy bí mật, khi Chu cười vô tư trong tấm mành buông xuống giữa căn gác buồn tẻ, có một chút an yên và nguyên lành đã lóe lên dịu dàng trước khi bị dập tắt bởi nhục cảm và nỗi đau của bi kịch. Nếu không có phần hình ảnh quá sức tuyệt vời của NSND Lý Thái Dũng, Đảo của dân ngụ cư sẽ là một cái hồn lởn vởn không có thân xác. 

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 8.

Hồng Ánh chỉ đạo diễn xuất

Hồng Ánh, với bộ phim điện ảnh đầu tay ở vai trò đạo diễn, khi mà thời gian ấp ủ dự án này quá dài đã khiến cô không còn đủ xuân sắc để hóa thành Chu, đã có một màn chào sân tuyệt vời với làng phim Việt, đánh dấu sự ra đời của một nữ đạo diễn mới. Nhịp kể của Hồng Ánh trong Đảo của dân ngụ cư đôi lúc chậm rãi như cuộc sống xoay vòng của những con người ở Đêm Trắng, đôi khi cuồng nộ như lúc Miên điên tiết rượt đuổi một chú dê trong đêm, cũng có khi lại nồng nàn và cuồng bạo như những đêm tình của Chu và những tấm lưng trần mướt mồ hôi. Tất cả những điều đó khiến bộ phim trở nên vừa nữ tính, vừa đê mê. 

Dù với một phim đầu tay thế này đã là khá tốt, có màu, có lực. Nhưng nhìn tổng thể thì Đảo của dân ngụ cư vẫn khá cũ so với dòng chảy điện ảnh hiện đại. Nếu so với những phim nghệ thuật từ những năm 90 thì phim không có nhiều khác biệt cả về khuôn khổ lẫn cá tính, ngoại trừ hình ảnh được quay bằng máy móc "xịn" hơn. 

Vị nữ đạo diễn còn có công rất lớn khi phát hiện ra hai gương mặt vừa lạ nhưng vừa quen trong tuyến vai chính: Phạm Hồng Phước và Ngọc Thanh Tâm. Phạm Hồng Phước với gương mặt non choẹt, lần đầu tiên đóng phim nhưng lại ẵm luôn giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc trên mặt trận quốc tế. Phải đến tận khi xem xong phim, khán giả mới có thể tin rằng việc trao vai nam chính cho Phước là một quyết định táo bạo nhưng hiệu quả của Hồng Ánh. 

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 9.

Bất ngờ thứ hai chính là Ngọc Thanh Tâm, cô diễn viên từng đóng vai mù trong bộ phim đầu tay nhưng lại không được đánh giá cao. Chỉ đến khi gieo mình xuống dòng sông nghệ thuật của điện ảnh, Ngọc Thanh Tâm mới thỏa sức vẫy vùng bằng những nét đẹp trời phú và lối diễn vừa bản năng vừa kĩ thuật. 

Nhân vật Chu cũng là một nhân vật có nội tâm phức tạp nhất trong phim, với nhiều bước chuyển biến tâm lí đột ngột. Nhưng Ngọc Thanh Tâm lại làm được điều này vượt ngoài những gì người ta có thể nghĩ về cô. Sẽ khó mà quên được phân đoạn khi Chu "thả" hai chú chim bay về trời, rồi khẽ hát ngêu ngao trong cơn buồn tuyệt vọng và tù túng. Đối với Chu, "tự do" có lẽ là hai từ mà cô sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến khi mà cả cuộc đời cô đã được định sẵn sẽ ngồi trong căn gác gỗ, nhìn bầu trời qua những chấn song, chờ mây vẩy cá phiêu bồng qua bóng trăng rằm.

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 10.

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 11.

Chu không muốn bỏ trốn, bởi điều đó là bất khả, Chu chỉ âm thầm giải thoát cuộc đời mình qua những cuộc phong ba bão tố trên thân thể, bằng những câu hát để mời gọi bạn tình. Một nhân vật cực kì khó, nắm vai trò là cột cảm xúc chủ đạo cho phim và được thể hiện trọn vẹn. 

Nhưng sau tất cả, thứ khiến người ta ám ảnh với bộ phim này chính là cái không khí ngột ngạt trong nhà hàng Đêm Trắng. Đạo diễn cố tình chọn hình ảnh đàn dê trên bờ biển ở những cảnh đầu tiên để bắt đầu chuyến hành trình của những kẻ cư ngụ. Khi Phước huyên thuyên về sở trường của mình với ông chủ, ông chỉ hỏi một câu: "Có biết làm dê không?". 

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 12.

Tất nhiên vì Đêm Trắng là nhà hàng chuyên bán lẩu dê nên đó chỉ là câu hỏi hết sức bình thường của ông chủ dành cho gia nô. Nhưng sự hay ho trong việc chơi chữ khiến cho số phận của những kẻ ngụ tại Đêm Trắng như chấp nhận trở thành những chú dê, sống theo bầy đàn, đi theo lằn roi của người chăn dắt và chờ ngày bị cắt cổ. 

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 13.

Đừng sống như những chú dê trên đảo của dân ngụ cư! - Ảnh 14.

Tất cả những con người ở đó, từ bà vợ lẻ xiếm Hoa đến cô con gái tật nguyền, ông gia nô đạo Hồi, gã Khmer bạo liệt và Phước ngây thơ đều là những con dê phục tùng dưới uy hùng của ông chủ. Mọi thứ ở Đêm Trắng đều phải diễn ra trong trật tự, quy trình, kể cả sự phản bội. Những con người ở Đêm Trắng sống trong im lặng, họ tự quy ước cho nhau những điều luật của riêng mình. Tất cả đều đã quen với nỗi sợ, đủ để hình thành những mưu mẹo như một phản xạ mà chẳng thiết bận tâm đến một ngày vỡ lở, tất cả sẽ tiêu tan. 

Ở những nơi càng khắc nghiệt, càng bị trói chặt bằng những luật lệ, thì sự phản kháng càng dữ dội và mất kiểm soát. Đảo của dân ngụ cư giống như cuốn phim về những bí bách của cả một xã hội thu nhỏ trong một căn nhà. Chẳng có một hòn đảo nào trong phim, mà chính sự giam cầm của những con người đa sắc tộc, giai cấp tại Đêm Trắng chính là hòn đảo biệt lập. Đảo của những kẻ ngụ cư tìm nơi an trú, bán sức bán mình để kiếm miếng cơm, tự gom cho mình chút ít ỏi đê mê để rồi lại rời đi vào một ngày nào đó mà không thể nào hạnh phúc.