GS Thayer: Sách trắng Quốc phòng thể hiện rõ quan điểm “hòa bình” và “tự vệ” của Việt Nam

28-11-2019 - 06:51 AM

Xử lý ảnh: Đỗ Linh

Theo GS Thayer, việc Việt Nam ban hành Sách trắng Quốc phòng 2019 là một động thái “đặc biệt đáng chú ý, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông từ năm 2009, khi Trung Quốc lần đầu chính thức đưa ra yêu sách ‘đường lưỡi bò’ phi pháp”.

Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ, bảo vệ chủ quyền

Chiều 25/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019. Trong đó, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ.

Trao đổi với báo điện tử Trí Thức Trẻ, ông Carl Thayer - Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales cho biết, đã 1 thập kỷ trôi qua kể từ khi Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 được công bố.

Do đó, việc Việt Nam ban hành Sách trắng Quốc phòng 2019 là một động thái “đặc biệt đáng chú ý, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông từ năm 2009, khi Trung Quốc lần đầu chính thức đưa ra yêu sách ‘đường lưỡi bò’ phi pháp”.

GS Thayer: Sách trắng Quốc phòng thể hiện rõ quan điểm “hòa bình” và “tự vệ” của Việt Nam - Ảnh 1.

Xử lý ảnh: Đỗ Linh

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã bày tỏ một cách ngắn gọn về chính sách “hợp tác và đấu tranh” của Việt Nam trước các thế lực bên ngoài.

Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của tất cả các nước theo quy định của luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hiến pháp, pháp luật của Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thông lệ quốc tế; và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ khi lợi ích quốc gia bị xâm phạm” – Tướng Vịnh nêu rõ.

Theo GS Thayer, thông qua phát ngôn trên, các nhà quan sát quốc tế đã thấy rõ cam kết của Việt Nam, đó là Việt Nam “sẽ không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế” và chính sách “ba không” (được đề cập trong Sách Trắng Quốc phòng 2009) có thể được hiểu một cách đầy đủ và chính xác hơn thành "bốn không".

Tướng Vịnh đã tóm tắt chính sách “bốn không” của Việt Nam như sau: Việt Nam không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam khẳng định quan điểm “hòa bình” và “tự vệ”

GS Thayer nhận định, Tướng Vịnh cũng đã bày tỏ khá rõ ràng quan điểm của Việt Nam khi nêu bật cụm từ “hòa bình” và “tự vệ”.

Chúng ta mong muốn hòa bình, chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Và chúng ta xây dựng quốc phòng cũng vì mục đích hòa bình. Nếu đất nước có chiến tranh, chúng ta buộc lòng phải cầm súng thì cũng là vì hòa bình.

Thứ hai là tự vệ. Chúng ta chỉ sử dụng tình huống tự vệ khi đất nước bị xâm phạm. Trước hết là chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập tự chủ đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc, ổn định chế độ…” – vị chuyên gia dẫn lại lời Tướng Vịnh.

Bên cạnh đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết thêm rằng ngân sách quốc phòng Việt Nam đã tăng nhẹ từ 2,23% GDP trong năm 2010 lên 2,36% GDP trong năm 2018 (khoảng 5,8 tỉ USD).

GS Thayer: Sách trắng Quốc phòng thể hiện rõ quan điểm “hòa bình” và “tự vệ” của Việt Nam - Ảnh 2.

Thượng tướng Nguyễn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu nội dung Sách trắng Quốc phòng và cuốn Sách ảnh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo GS Thayer, việc công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam đã cho thấy Việt Nam công khai minh bạch về quốc phòng, thúc đẩy sự thấu hiểu và xây dựng lòng tin với các nước láng giềng.

Điều này cũng được thể hiện rõ ở lời khẳng định của tướng Vịnh khi trả lời báo chí trong nước: “Chính sách quốc phòng Việt Nam có 2 mặt:

Hợp tác quốc phòng và đấu tranh quốc phòng. Yếu tố hợp tác được đưa lên trước nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới”.

Về yếu tố đấu tranh quốc phòng, theo GS Thayer, tướng Vịnh cũng đã nêu rõ: Đấu tranh quốc phòng ở đây nghĩa là trong mọi quan điểm khác nhau, chúng ta tìm ra những điểm chung để cùng phát huy. Nhưng chúng ta cũng mạnh dạn nêu ra những điểm khác biệt, bất đồng để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong các đối tác của chúng ta, những mặt nào xâm hại đến chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta phải đấu tranh, không khoan nhượng. Mối quan hệ nào làm ảnh hưởng đến chế độ Xã hội Chủ nghĩa, chúng ta cũng không khoan nhượng”.