Hậu trường cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Chúng ta đang sống trong thế giới của Robert Lighthizer

11-08-2018 - 11:39 AM

Lighthizer từng đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy thứ mà nhà kinh tế học Jagdish Bhagwati gọi là "chủ nghĩa đơn phương gây hấn" được chính quyền Reagan sử dụng để chống lại các đối thủ mới trên mặt trận thương mại.

Sự kết hợp giữa tự do thương mại với chủ nghĩa dân tộc

Quan điểm kết hợp tự do thương mại với chủ nghĩa dân tộc của Lighthizer không phải là mới và cũng không có gì ngược đời. Gốc rễ của nó có từ thế kỷ 19, khi những quân đoàn viễn chinh đi khai phá thị trường cho hàng hóa phương Tây. Thị trường Trung Quốc và Nhật Bản đều được mở ra nhờ những khẩu súng thần công.

Trường hợp tương tự gần đây hơn và cũng trực tiếp hơn là các xung đột thương mại trong những năm 1980. Đó cũng chính là thời điểm Lighthizer bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực chính sách kinh tế, khi các nhà hoạch định chính sách của nước Mỹ thường xuyên phàn nàn về thâm hụt thương mại và chuyện công nhân Mỹ bị cướp việc làm bởi những đối thủ xa xôi.

Sinh năm 1947 tại Ohio, ông học cùng khóa với cựu Tổng thống Bill Clinton tại ĐH Georgetown, từ năm 1978 trở thành luật sư chính cho Ủy ban Tài chính dưới thời Thượng nghị sĩ Bob Dole trước khi được bổ nhiệm làm phó đại diện thương mại Mỹ năm 1983 ở tuổi ngoài 30. Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban đầu tư Mỹ - Nhật và dẫn dắt các cuộc đàm phán về thép nhập khẩu từ Nhật.

Trong vai trò này, Lighthizer đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy thứ mà nhà kinh tế học Jagdish Bhagwati gọi là "chủ nghĩa đơn phương gây hấn" được chính quyền Reagan sử dụng để chống lại các đối thủ mới trên mặt trận thương mại. Một ví dụ điển hình là điều khoản 301 của đạo luật thương mại 1974 cho phép nước Mỹ trả đũa các quốc gia có hành động thương mại không công bằng. Thay vì thuế quan, công cụ được ưa chuộng là buộc các nước khác tự nguyện hạn chế lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Mặc dù mục tiêu hàng đầu mà Mỹ nhắm đến là các nền kinh tế đang lên ở khu vực Đông Á như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, điều khoản 301 được sửa đổi năm 1988 cũng được sử dụng để đe dọa các quốc gia đang phát triển nếu như họ không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Bhagwati cho rằng những biện pháp của Tổng thống Reagan là biểu hiện của "hội chứng người khổng lồ bị thu nhỏ", trong đó Mỹ trở nên kích động hơn vì lo sợ sẽ mất đi vị thế thống trị. Mặc dù không đồng tình với cách thức này, Bhagwati cũng thừa nhận rằng các hành động này thường tỏ ra hiệu quả đối với các thị trường mở cửa.

Năm 1985, Lighthizer quay trở lại làm việc trong lĩnh vực luật tư nhân, và dễ dàng rút ra được bài học từ thời gian làm việc trong bộ máy công quyền: chủ nghĩa đơn phương gây hấn sẽ hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế quốc tế. Kể từ đó đến nay ông là nhân tố tác động lớn đến quan điểm tránh xa mô hình thương mại đa phương của đảng Cộng hòa.

Trong những năm 1990, Lighthizer là cố vấn kinh tế chính cho Bob Dole trong cuộc đua trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa. Lighthizer và Dole ủng hộ việc Mỹ là thành viên của WTO nhưng cũng thúc đẩy ý tưởng có 1 ủy ban riêng biệt gồm toàn các thẩm phán Mỹ để xem xét lại các vụ việc bất lợi, đồng thời hai người đồng tình với quan điểm Mỹ dọa rút khỏi WTO nếu như hoạt động của tổ chức này không làm vừa lòng Mỹ.

Tuy nhiên sau khi WTO ra đời, có vẻ như Lighthizer đã hối hận về quyết định của mình. Năm 2000 ông từng phát biểu rằng quyền lực của WTO đã vượt quá giới hạn, trở thành mối đe dọa đối với luật pháp Mỹ và WTO cũng không đủ khả năng chỉnh đốn các "hoạt động thương mại không công bằng" của các nước khác.

Mặc dù chính sách thương mại của ông Trump đôi lúc được so sánh với thời kỳ những năm 1940, người ta nhắc nhiều hơn đến những năm 1980. Nhiều năm trước khi ông Trump tranh cử Tổng thống, Lighthizer đã thẳng thắn ca ngợi "nỗi hoài nghi trước những lời võ đoán về tự do thương mại" của ngôi sao truyền hình thực tế Donald Trump hay hào hứng nói về chuyện Ronald Reagan đã thành công như thế nào trong cuộc chiến thương mại với Nhật Bản.

Trung Quốc đang hưởng lợi từ chủ nghĩa tư bản nhà nước

Không phải WTO chưa từng vấp phải sự phản đối. Chính quyền Obama cũng có lần mâu thuẫn với tổ chức này, và ngày càng có nhiều tiếng nói từ EU cũng như bản thân Trung Quốc đồng tình rằng cần cải cách WTO cho phù hợp với tình hình mới, khi mà kinh tế Trung Quốc đã mạnh lên rất nhiều so với trước đây và nước này liên tục vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là Lighthizer phủ nhận quan điểm truyền thống về sức mạnh dân chủ hóa của thương mại toàn cầu. Trong bài phát biểu năm 2010, ông chỉ ra rằng "nước Mỹ từng hết sức tự tin về sự chiến thắng của chủ nghĩa tư bản" sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, nhưng "sự tự tin đó giờ đã trở thành sự kiêu căng ngạo mạn được thôi thúc bởi nhiều nhà hoạch định chính sách tin rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ đi theo chủ nghĩa tư bản". Họ còn tin rằng "vào WTO sẽ khiến Trung Quốc ngày càng cư xử giống phương Tây hơn, thậm chí có thể trở thành phiên bản khác của Canada". Nhưng thực tế cho thấy sự khác biệt văn hóa đã tạo ra kết quả hoàn toàn khác.

Lighthizer từng nhắc đến bài báo viết về chủ nghĩa tư bản nhà nước đăng trên tờ Foreign Affairs của chuyên gia phân tích chính trị Ian Bremmer. Bài báo đã lược lại quá trình phát triển của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) kể từ những năm 1970. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu thập kỷ này là 1 bước đột phá cho xu hướng trong đó quyền lực của nhà nước được tăng cường đáng kể nhờ mối quan hệ gắn bó khăng khít với lợi ích của giới doanh nghiệp, với các công ty dầu mỏ quốc doanh của OPEC là ví dụ điển hình.

Trong khi nhiều nhà sử học miêu tả đó là thời kỳ quyền lực chuyển giao mạnh mẽ từ nhà nước sang thị trường, Bremmer lại có quan điểm trái ngược. Theo ông, các nền kinh tế như Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đều có niềm tin tuyệt đối vào thị trường tự do nhưng cũng có xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa lợi ích của khu vực công và khu vực tư nhân. Sự nổi lên của các quỹ đầu tư quốc gia trong thời kỳ đầu những năm 2000 cũng là 1 ví dụ. Và Trung Quốc trở thành biểu tượng của chủ nghĩa tư bản nhà nước, nơi đảng cầm quyền sử dụng các tập đoàn nhà nước kết hợp với những tập đoàn tư nhân nổi trội để tạo ra 1 thị trường nội địa khổng lồ thách thức các cường quốc công nghiệp truyền thống.

Trong khi đó nước Mỹ hoàn toàn giữ được khoảng cách lành mạnh giữa lợi ích của khu vực công và khu vực tư nhân (ngoại trừ "cửa hậu" giữa phố Wall và Washington). Đồng tình với Bremmer, Lighthizer lo ngại mô hình của Trung Quốc tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng với những quốc gia khác biệt. "Hệ thống của họ đang thách thức hệ thống của chúng ta", ông nói. Năm 2017, ông gọi chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc là "mối đe dọa chưa từng có tiền lệ đối với hệ thống thương mại thế giới".

Cốt lõi của mối đe dọa đó là "những yêu cầu bắt buộc về chuyển giao công nghệ hay thậm chí là những vụ ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ trắng trợn".

Kế hoạch đối phó với Trung Quốc của Lighthizer là gì? "Chúng ta phải đưa mọi thứ quay trở về vạch xuất phát, loại bỏ một vài rào cản về cấu trúc đồng thời buộc Trung Quốc phải mở cửa", ông phát biểu trên Fox News hồi tháng 6.

Tuy nhiên chính bản thân Lighthizer cũng thừa nhận rằng mục tiêu đối phó lại với Made in China 2025 bằng 1 kế hoạch dài hơi đang gặp phải rào cản về thời gian. Trong khi Trung Quốc có sự ổn định chính trị và hoạch định chính sách với tầm nhìn 50 -100 năm, đặc trưng của hệ thống chính trị Mỹ không cho phép làm như vậy. 

Rào cản chính trị là thứ khó có thể vượt qua và có lẽ cả cuộc đời Lighthizer cũng không thể tạo ra sự thay đổi. Nhưng rõ ràng không thể phủ nhận "chủ nghĩa Lighthizer" đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump - thứ đang làm đảo lộn trật tự thương mại quốc tế. Không ngoa khi nói rằng chúng ta hiện đang sống trong "thế giới của Robert Lighthizer".