Kangaroo trước thềm lên sàn: Lợi nhuận 6 tháng vượt cả năm 2018, phải thu từ Thế giới Di động tăng đột biến

14-08-2019 - 14:26 PM

Giống như Sunhouse của Shark Phú hay Asanzo của ông chủ Phạm Văn Tam, Kangaroo nổi lên những năm gần đây như một sản phẩm hàng gia dụng "made in Vietnam" có thương hiệu.

"Cạch. Kangaroo, máy lọc nước hàng đầu Việt Nam

Cạch. Kangaroo, máy lọc nước hàng đầu Việt Nam"

Đoạn quảng cáo lặp lại 54 lần trong giờ nghỉ giải lao trận chung kết cúp C1 năm 2011 giữa Manchester United và Barcelona đã đi vào lịch sử và trở thành thảm họa quảng cáo gây bức xúc nhất từ trước đến nay trên sóng truyền hình. Không hiểu bằng cách nào và phải chi ra bao nhiêu tiền để Kangaroo có thể xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia giữa khung giờ vàng với đoạn quảng cáo vô duyên như vậy.

Sau 8 năm kể từ lần "chào sân" ra mắt người tiêu dùng, sản phẩm máy lọc nước Kangaroo của CTCP Tập đoàn điện lạnh điện máy Việt Úc (Việt Úc) đã trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng Việt Nam, khi thói quen sử dụng nước sinh hoạt qua máy lọc và uống thẳng nước từ vòi đã trở nên phổ biến hơn ở đô thị.

Hiện nay, máy lọc nước chỉ là 1 trong 5 mảng chính của Kangaroo cùng với hàng gia dụng, thiết bị bếp, điện lạnh và thiết bị vệ sinh tuy nhiên sản phẩm nổi tiếng nhất vẫn là máy làm nóng lạnh nước và máy lọc nước với thị phần 37% và 18,6%, bỏ xa các hãng cùng ngành. Trong nhóm máy lọc nước hiện nay cạnh tranh với Kangaroo có Karofi, Sunhouse, Ao Smith.. riêng Karofi mặc dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng đang phát triển rất nhanh trong 3 năm qua, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực máy lọc nước.

Phương châm của Kangaroo là "doanh nghiệp muốn mạnh phải hướng tới phục vụ số đông và ngược lại, muốn phục vụ số đông phải đủ mạnh", "Mỹ có Apple, Nhật Bản có Honda, Hàn Quốc có Samsung thì Việt Nam có Kangaroo". Kangaroo chọn thị trường Đông Nam Á với 700 triệu dân làm mục tiêu với tham vọng trở thành doanh nghiệp đồ gia dụng và máy lọc nước số 1 ở Đông Nam Á.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sức chi cho hàng gia dụng tại thị trường Việt Nam chiếm khoảng 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân. Trong 11 nhóm ngành hàng chính, nhóm hàng gia dụng đứng thứ tư về quy mô tiêu dùng, vào khoảng 13 tỷ USD. Số người tiêu dùng quan tâm đến hàng gia dụng trong nước cũng ngày càng tăng. Theo đánh giá của các chuyên gia, có hơn 60% tổng thu nhập cá nhân của người Việt Nam được bỏ ra cho chi phí sinh hoạt gia đình, cao hơn nhiều so với Singapore.

Bên cạnh đó, cơ cấu dân số trẻ và số lượng hộ gia đình mới không ngừng tăng lên, khiến nhu cầu các mặt hàng gia dụng ngày càng cao. Đặc biệt, thị trường hàng gia dụng tại khu vực nông thôn còn thiếu nhiều mặt hàng phù hợp thị hiếu và khả năng chi trả của người tiêu dùng. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển trong lĩnh vực ngành hàng gia dụng.

Hiện diện tại 5 quốc gia, trải khắp 53 tỉnh thành trong nước

Giống như Sunhouse của Shark Phú hay Asanzo của ông chủ Phạm Văn Tam, Kangaroo nổi lên những năm gần đây như là những thương hiệu gia dụng hàng đầu của Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, số liệu cho thấy Kangaroo có 40.000 điểm bán, 458 trung tâm bảo hành, 4 văn phòng đại diện tại Việt Nam và đưa sản phẩm ra 5 quốc gia bao gồm Myanmar, Indonesia, Lào, Campuchia và Trung Quốc tuy nhiên 99,99% doanh thu của công ty vẫn đang đến từ thị trường nội địa. Công ty có 2 nhà máy đặt tại Hưng Yên với 4 dây truyền sản xuất.

Số liệu tài chính cho thấy Kangaroo đang tăng trưởng khá nhanh trong những năm gần đây. Doanh thu năm 2018 đạt hơn 2.300 tỷ đồng (tức hơn 100 triệu USD), gần gấp đôi năm 2016. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt hơn 55 tỷ đồng, giảm 15% cùng kỳ năm trước và chỉ hoàn thành 36% kế hoạch năm. Theo giải trình của Kangaroo, lợi nhuận 2018 giảm mạnh là do công ty gia tăng chi phí bán hàng, quảng cáo sản phẩm, phát triển các cửa hàng để thúc đẩy bán các sản phẩm mới.

Kangaroo cho rằng mục tiêu của giai đoạn tích lũy là xây dựng thương hiệu đó Kangaroo chấp nhận có mức lợi nhuận khiêm tốn để gia tăng độ phủ.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Kangaroo bất ngờ báo lãi 72 tỷ đồng, vượt lợi nhuận của cả năm 2018.

Kangaroo trước thềm lên sàn: Lợi nhuận 6 tháng vượt cả năm 2018, phải thu từ Thế giới Di động tăng đột biến - Ảnh 1.

Đơn vị: Tỷ đồng

Phần lớn các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc

Tính đến nay, Kangaroo sở hữu 5 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, 3 bằng độc quyền kiểu dáng, 700 models sản phẩm. Giai đoạn đầu, Kangaroo sản xuất thiết kế gốc (ODM), thiết kế sản phẩm sau đó gửi yêu cầu gia công ở các nước. Sau này, Kangaroo mở 2 nhà máy ở Hưng Yên và dự tính đặt 1 nhà máy ở Myanmar, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm từ 10% lên 70%. Ông Phương trả lời báo giới cho biết "Kangaroo đầu tư nhà xưởng cho các đơn vị sản xuất linh kiện phụ trợ để lắp vào thiết bị của mình. Phần linh kiện lõi quan trọng nhất vẫn do công ty tự sản xuất bằng công nghệ riêng".

Kangaroo cho biết công ty có một viện nghiên cứu để phát triển công nghệ.

Trên báo cáo tài chính quý 2/2019 của Kangaroo cho thấy các đối tác cung cấp của công ty có nhiều công ty Trung Quốc.

Kangaroo trước thềm lên sàn: Lợi nhuận 6 tháng vượt cả năm 2018, phải thu từ Thế giới Di động tăng đột biến - Ảnh 2.
Kangaroo trước thềm lên sàn: Lợi nhuận 6 tháng vượt cả năm 2018, phải thu từ Thế giới Di động tăng đột biến - Ảnh 3.

Thế giới di động gia tăng bán "nồi niêu xoong chảo và hàng gia dụng", giao dịch với Kangaroo tăng đột biến

Theo số liệu tại ngày 30/6 của Kangaroo, các khoản phải thu với đối tác Thế giới Di động tăng gấp đôi từ 96 tỷ lên 180 tỷ đồng trong bối cảnh Thế giới di động đang mở rộng các mặt hàng gia dụng tại các cửa hàng Điện máy xanh.

Trong 1 năm kể từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019, MWG đã mở thêm 114 cửa hàng Điện máy xanh, do đó nguồn hàng nhập từ Kangaroo tăng mạnh là điều không quá khó hiểu.

Kangaroo trước thềm lên sàn: Lợi nhuận 6 tháng vượt cả năm 2018, phải thu từ Thế giới Di động tăng đột biến - Ảnh 4.

Với kết quả kinh doanh được cải thiện, Kangaroo cũng đang xúc tiến cho việc đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết. Công ty đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 12/7 để phục vụ cho quá trình làm thủ tục niêm yết.