Leopard 2 - tăng “bất khả chiến bại” đã gục ngã trên chiến trường Syria

13-02-2018 - 19:23 PM

IS tuyên bố tiêu diệt 10 tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Daily Mail

Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chứng kiến một cú sốc lớn khi hàng loạt tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 bị phá hủy trong các chiến dịch quân sự mà nước này triển khai tại Syria.

Leopard 2 thường được so sánh với M1 Abrams - dòng tăng cùng thời siêu hiện đại của Mỹ bởi cả hai đều có nhiều đặc tính chung nổi bật: bọc giáp composite tiên tiến với khối lượng trên 60 tấn; động cơ 1.500 mã lực cho phép đạt vận tốc 64km/h; và ở một số mẫu nhất định, chúng đều được trang bị pháo chính Rheinmetall L/44 cỡ nòng 120 mm.

Hơn nữa, hai loại tăng này của Đức và Mỹ đều có hệ thống ngắm bắn vượt trội với các ống kính ảnh nhiệt và bộ khuếch đại lớn hơn, giúp chúng có khả năng phát hiện và tấn công kẻ thù trước. Đây được coi là một ưu thế còn quan trọng hơn cả sức mạnh hỏa lực trong môi trường tác chiến tăng thiết giáp.

Quân đội Hy Lạp từng tiến hành một thử nghiệm khá thú vị: Ở trạng thái cơ động, Leopard 2 và Abrams đã bắn trúng mục tiêu với kết quả lần lượt là 19/20 và 20/20 lần, trong khi đó T-80 của Liên Xô chỉ đạt 11/20 phát trúng đích.

Mùa Thu năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định triển khai phiên bản Leopard 2A4 của mình tới biên giới Syria để hỗ trợ cho Chiến dịch Lá chắn Euphrates (Euphrates Shield) trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS).

Do trước đó đã có cả chục xe tăng Patton của Thổ Nhĩ Kỳ bị các tên lửa của IS và người Kurd ở Syria phá hủy nên giới chức quốc phòng Ankara rất hy vọng Leopard uy lực sẽ tạo ra sự khác biệt.

Leopard 2 - tăng “bất khả chiến bại” đã gục ngã trên chiến trường Syria - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hàng trăm xe tăng Leopard 1 và Leopard của Đức

Đòn đau trên chiến trường Syria

2A4 là mẫu cuối cùng của dòng Leopard 2 được sản xuất từ thời chiến tranh Lạnh. Nó được thiết kế để tham chiến trong các đơn vị tương đối tập trung cho cuộc chiến diễn biến nhanh chống lại các xe tăng của Liên Xô chứ không phải để đối phó với thiết bị nổ tự chế (IED) và tên lửa của các phần tử nổi dậy trong các chiến dịch dài ngày.

Tháp pháo loại cũ, cồng kềnh của 2A4 khiến nó dễ bị tổn thương trước các tên lửa chống tăng hiện đại, và đặc biệt là phần giáp hai bên sườn và phía sau. Điểm yếu này lại càng lộ rõ trong môi trường chống nổi dậy khi mà một vụ tấn công có thể diễn ra từ bất cứ hướng nào.

Thực tiễn đã diễn ra đúng như vậy. Tháng 12/2016, Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến một cú sốc lớn khi xuất hiện các thông tin cho thấy một loạt tăng Leopard 2 đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh ác liệt tại thành phố Al-Bab, Aleppo do IS kiểm soát. Theo hãng tin Đức Der Spiegel, giới lãnh đạo Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi đó là một thảm kịch.

Leopard 2 - tăng “bất khả chiến bại” đã gục ngã trên chiến trường Syria - Ảnh 2.

Xác xe tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ

Một tài liệu đăng tải trên mạng cho thấy IS đã tiêu diệt tới 10 chiếc Leopard 2, trong đó 5 chiếc bị phá hủy bởi tên lửa chống tăng, 2 chiếc bằng mìn hoặc thiết bị nổ tự chế, 1 chiếc do súng cối và số còn lại chưa rõ là loại vũ khí gì.

Phân tích chi tiết hình ảnh thì thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất ít nhất 8 chiếc Leopard 2 trong chiến dịch tại Al Bab. Một chiếc rõ ràng đã bị tiêu diệt bởi xe bom tự sát (VBIED) còn chiếc khác thì bị thổi bay tháp pháo. Ngoài ra, còn có 3 chiếc Leopard nữa nằm phơi mình cạnh một bệnh viện gần Al-Bab cùng với nhiều xe thiết giáp khác của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất cả các xe tăng này hầu như đều bị tấn công vào phần giáp mỏng ở bụng và hai bên sườn bởi thiết bị nổ tự chế cũng như các loại tên lửa chống tăng AT-7 Metis và AT-5 Konkurs.

Tổn thất nặng nề này xuất phát từ sai lầm chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vì triển khai chiến đấu hiệp đồng với sự yểm trợ của bộ binh, Leopard 2 lại được bố trí ở tuyến sau với vai trò yểm trợ hỏa lực tầm xa. Đơn độc ở vị trí nguy hiểm và không có bộ binh cảnh giới, Leopard 2A4 rất dễ tổn thương trước các đòn tập kích của đối phương.

Năm 2017, nước Đức bắt đầu cải tiến kho xe tăng chiến đấu của mình, thậm chí còn phát triển mẫu Leopard 2A7V mới mạnh mẽ hơn, có thể trụ vững trong môi trường tác chiến chống nổi dậy. Ankara đang thúc ép Berlin nâng cấp hệ thống phòng vệ cho các xe tăng Leopard, đặc biệt khi dòng tăng Altay sản xuất nội địa liên tục bị trì hoãn.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ muốn trang bị thêm lớp giáp dưới bụng để đối phó với IED mà còn đề nghị bổ sung hệ thống phòng vệ chủ động (APS) giúp phát hiện các tên lửa đang tấn công cũng như vị trí xuất phát của chúng để bắn hạ.

Tuy nhiên, các mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã suy giảm nghiêm trọng, nhất là sau khi Ankara tiến hành chiến dịch đàn áp hàng nghìn người được cho là có tham gia vào cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 8/2016.

Đó là chưa kể tới thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các hình ảnh cho thấy Leopard 2 lại được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tấn công người Kurd ở Afrin, Syria khiến hàng chục dân thường bị thương vong.

Vậy nên, tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 vốn vẫn nổi danh là loại vũ khí "bất khả chiến bại" có thể sẽ tiếp tục gánh chịu thêm nhiều tổn thất nặng nề nữa trên chiến trường Syria.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại Syria