Mỹ chơi lớn: Chi số tiền kỷ lục sắm loạt tàu ngầm mới mang tên lửa Tomahawk "dằn mặt" TQ

03-12-2019 - 19:16 PM

Mỹ hiện đang phải đối diện với sức ép chưa từng có tiền lệ ở Thái Bình Dương mà chủ yếu đến từ sự phát triển đột phá về số lượng và chất lượng của các tàu ngầm Hải quân Trung Quốc.

Hợp đồng đóng tàu ngầm lớn chưa từng có

Ngày 2/12/2019, Hải quân Mỹ đã chính thức đặt bút ký một hợp đồng đóng mới 9 tàu ngầm tấn công tiên tiến nhất thế giới chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia trị giá 22,2 tỷ USD, một khoản ngân sách kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay.

Động thái trên diễn ra chỉ vài tháng sau khi Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương lên tiếng cảnh bảo về việc Trung Quốc tăng cường phát triển hải quân đồng thời ông cũng bày tỏ lo ngại Washington không có đủ tàu ngầm để đối phó với Bắc Kinh.

"Hợp đồng này chính là phản ứng mới nhất của Hải quân Mỹ trước sức mạnh quân sự và các hành động gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương", Carl Schuster, cựu Giám đốc phụ trách các chiến dịch thuộc Trung tâm Tình báo Liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hải quân Mỹ bình luận.

"Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang ngày càng trở lên tốt hơn và phát triển ở quy mô lớn hơn, vì vậy Mỹ cần phải đối phó. Hải quân Mỹ không coi Trung Quốc là kẻ thù nhưng các hành động của Trung Quốc phải được theo dõi chặt chẽ", ông Carl Schuster nhấn mạnh.

Các tàu ngầm lớp Virginia là phương tiện tác chiến chủ chốt đa năng dưới nước của Hải quân Mỹ. Chúng có thể tấn công các tàu ngầm khác, tàu chiến mặt nước, các mục tiêu trên đất liền cũng như thực hiện các chiến dịch đặt biệt thu thập thông tin tình báo và do thám.

8 tàu ngầm loại này đã có trong biên chế của Hải quân Mỹ và thêm 10 tàu ngầm nữa đang được đóng theo từng giai đoạn khác nhau.

Tuy nhiên, 9 tàu ngầm Virginia mới sẽ đánh dấu một bước nâng cấp đột phá so với các tàu ngầm tiền nhiệm cùng lớp. Hải quân Mỹ cũng đang để ngỏ lựa chọn đóng chiếc tàu thứ 10 và nếu như vậy tổng giá trị hợp đồng sẽ lên tới 24 tỷ USD.

Mỹ chơi lớn: Chi số tiền kỷ lục sắm loạt tàu ngầm mới mang tên lửa Tomahawk dằn mặt TQ - Ảnh 1.

Tàu ngầm USS John Warner. Ảnh: CNN

Bước nhảy vọt về khả năng đối phó với Trung Quốc

Trong thông báo phát đi ngày thứ Hai, Chuẩn Đô đốc David Goggins, sĩ quan phụ trách chương trình tàu ngầm của Hải quân Mỹ gọi đây là "một bước nhảy vọt cả thế hệ về khả năng tác chiến ngầm".

Các tàu ngầm mới sẽ có kích cỡ lớn hơn với lượng choán nước 10.200 tấn (so với 7.800 tấn ở các tàu hiện tại), dài hơn (460 feet so với 377 feet) và sẽ được trang bị hỏa lực mạnh mẽ mới khi có thể tấn công bằng 40 tên lửa hành trình Tomahawk (so với chỉ 12 quả trên các tàu hiện nay).

Hải quân Mỹ cho biết, số tàu ngầm mới này dự kiến sẽ được chuyển giao trong giai đoạn từ 2025 - 2029.

Các chuyên gia cho rằng Mỹ hiện đang phải đối diện với sức ép chưa từng có tiền lệ ở Thái Bình Dương mà chủ yếu đến từ những bước phát triển đột phá về số lượng và chất lượng các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.

Mỹ chơi lớn: Chi số tiền kỷ lục sắm loạt tàu ngầm mới mang tên lửa Tomahawk dằn mặt TQ - Ảnh 2.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055 tại xưởng đóng tàu ở Đại Liên, Trung Quốc. Ảnh: CNN

Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc công bố hồi tháng 5/2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đến năm 2020 PLAN sẽ đưa vào biên chế khoảng từ 65 - 70 tàu ngầm.

Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc dự kiến sẽ còn tiếp tục gia tăng sau giai đoạn này. Trong vòng 5 năm kế tiếp PLAN sẽ đóng mới thêm nhiều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tương tự như các tàu lớp Virginia của Mỹ.

Trong một báo cáo đưa ra vào tháng 8/2019, các chuyên gia phân tích ở Australia đã chấn vấn Mỹ về khả năng bắt kịp đà phát triển của Trung Quốc đồng thời cảnh báo Washington đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng "đổ vỡ về chiến lược":

"Khi môi trường trên mặt nước ngày càng trở nên nguy hiểm hơn trước việc Trung Quốc tăng cường triển khai tên lửa hành trình, vũ khí siêu thanh và các hệ thống phòng không thì lợi thế vượt trội của Mỹ về tác chiến ngầm phải đóng một vai trò ngày càng quan trọng để cân bằng sức mạnh tại khu vực".

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu năm nay, Đô Đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, hoạt động tàu ngầm của 3 đối thủ ở Thái Bình Dương, gồm Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã gia tăng gấp 3 lần kể từ năm 2008.

Davidson đã yêu cầu được gia tăng số lượng tàu ngầm để duy trì ưu thế của Hải quân Mỹ trong khu vực vì nếu không "chúng ta sẽ mất lợi thế về số lượng vào khoảng năm 2025 và tôi cho rằng đây là một thách thức đối với lợi ích của chúng ta".

Bên trong tàu ngầm USS John Warner của Hải quân Mỹ