Nghiên cứu chỉ ra: Nếu sếp bạn có 7 hành vi này, hãy tìm cách "chuồn" ngay lập tức

14-09-2017 - 15:43 PM

"Gặp được sếp tồi thì dễ, gặp được sếp tốt mới khó" - đây gần như là câu cửa miệng mà bất kì dân văn phòng nào cũng có thể nói với nhau mỗi ngày.

"Gặp được sếp tồi thì dễ, gặp được sếp tốt mới khó" - đây gần như là câu cửa miệng mà bất kì dân văn phòng nào cũng có thể nói với nhau mỗi ngày.

Thật vậy, theo nghiên cứu của công ty BambooHR hoạt động trong lĩnh vực nhân sự, 44% những người làm thuê được hỏi đều nói rằng, họ thôi việc vì xếp của mình. Ba trong số những lý do dẫn tới mâu thuẫn này lần lượt là: phong cách quản lý (37%), hành vi không chuẩn mực (26%), hoặc quấy rối nhân viên (24%).

Nhằm làm rõ những khó chịu giữa nhân viên và sếp dẫn tới hiện tượng bỏ hoặc nhảy việc, BambooHR đã tiến hành khảo sát trên 1.200 nhân sự làm việc trên khắp nước Mỹ, tại hầu hết các ngành nghề và đi tới kết luận: hành vi khiến nhân viên "ghét" sếp của mình nhất đó là không được tin tưởng, hay trao quyền.

Trong đó, trả lương sai hẹn cũng là một trong những hành vi gây khó chịu cho nhân viên. Và có vẻ như, càng lớn tuổi, người lao động lại càng dễ nổi nóng với sếp của mình.

Bên cạnh đó, ở độ tuổi trên 60, các nhân sự có xu hướng nóng nảy (77%) hơn so với các nhân sự quãng 30 tuổi (57%).

Tuy nhiên, BambooHR cũng chỉ ra một giải pháp giúp sếp và nhân viên hàn gắn "mối quan hệ rạn nứt", đó là thường xuyên tương tác, liên lạc với nhau thông qua mạng xã hội.

Dưới đây là xếp hạng của BambooHR với 7 hành vi tồi tệ nhất của sếp - được các nhân viên tham gia khảo sát đánh giá:

Sếp không tin tưởng, hoặc trao quyền cho nhân viên: 62%

Sếp không quan tâm nhân viên đang phải làm việc quá sức: 58%

Sếp không bênh vực nhân viên: 57%

Sếp tuyển dụng và nâng đỡ những người không có thực lực: 56%

Sếp chỉ tập trung vào điểm yếu của nhân viên, thay vì điểm mạnh: 53%

Sếp không đặt ra được KPI rõ ràng: 52%

Sếp trả chậm lương cho nhân viên: 47%