Nguyễn Thanh Hóa và Phan Sào Nam: Ai là nạn nhân, ai là thủ phạm?

13-03-2018 - 10:59 AM

Khi nghe tin Phan Sào Nam bị bắt, cảm giác đầu tiên của tôi là thấy xót xa vì đó là một người quen biết cũ.

Ngã rẽ cay đắng

Tôi và Nam đã có thời làm cùng nhau trong một tổng công ty, cũng đã họp hành chung nhiều lần, đi công tác cùng nhau.

Tuy lĩnh vực khác nhau, nhưng nhiều người trẻ xung quanh ngày ấy, đều nhìn Nam với ánh mắt ngưỡng mộ, thậm chí có chút ganh tị của tuổi trẻ.

Một leader rất trẻ, tài giỏi, nhưng lại có vẻ ngoài điềm tĩnh; đẹp trai, phong độ nhưng lại biết lành lạnh kiểu tài tử. Tiếng Hàn, tiếng Anh thông thạo.

Với tất cả những xuất phát điểm ấy, với bệ phóng là một công ty nội dung số hàng đầu lúc bấy giờ, cùng rất cộng sự giỏi, nếu đi đường thẳng đàng hoàng, chắc chắn Nam sẽ thành công, không theo cách này thì cách khác.

Trước Tết, khi ngồi uống trà với một người sếp cũ đáng kính của Nam, nghe anh thở dài: "Tiếc là người giỏi giang như Nam lại chọn một ngã rẽ cay đắng như thế.

Nói cho cùng, sự lựa chọn chính là yếu tố quan trọng nhất để đưa người ta đến thành hay bại, hạnh phúc hay bi thảm".

"Hung thủ" của 8 triệu, 20 triệu nạn nhân

Câu chuyện của Phan Sào Nam chưa có hồi kết, bởi cơ quan điều tra mới đi những bước đầu tiên trong hành trình tố tụng. Nhưng, khi một vụ án xảy ra, người ta đã có thể đặt câu hỏi: Ai là nạn nhân, ai là hung thủ?

Có tới 20 triệu tài khoản và 8 triệu người chơi cờ bạc thường xuyên trong đường dây khủng khiếp này.

Nếu bị tòa án tuyên có tội, lúc ấy Nam và những người cầm đầu "sới bạc online" kia, sẽ trở thành "hung thủ" rất nhiều triệu gia đình.

Không chỉ thế, sau những cú cháy túi của "bác thằng Bần" là cuộc sống khốn khó, thậm chí chia lìa, đoạn tuyệt của vợ con, của bố mẹ, anh em, bạn bè, đồng nghiệp.

Nếu bị tòa tuyên có tội, Nguyên cục trưởng bộ Công An, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cũng đã góp phần đẩy rất nhiều số phận người dân mà lẽ ra ông có nhiệm vụ bảo vệ, đến bước lao đao.

Tướng Nguyễn Thanh Hóa đã tham gia và chỉ đạo phá nhiều vụ án lớn liên quan đến công nghệ cao. Cũng như một số quan chức đã dính chàm khác, vụ án khó nhất vẫn là vụ án nảy sinh trong lòng mình.

Là người chiến đấu, tróc nã tội phạm khét tiếng – người được mệnh danh là khắc tinh của giang hồ, nhưng khi tổ chức cho anh mình đi trốn, đại tá Dương Tự Trọng và thuộc cấp, lại nhờ đến một kẻ đang trốn truy nã là Đồng Xuân Phong.

Khi trở thành "nạn nhân của chính mình", đại tá Trọng hay thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, có thể đi ngược lại tất cả nguyên tắc đáng lẽ phải gìn giữ.

Đúng như ông Đặng Ngọc Ánh, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, Bộ Công an: "Một người dân bình thường sa vào tệ nạn đó đã không chấp nhận được, huống hồ một cán bộ công an ở vị trí cao như thế càng không thể chấp nhận được.

Người này đã phản bội lại lòng tin của cán bộ, nhân dân…" (VOV1).

Họ không phải là Giăng Van Giăng (Jean Valjean)

Khi tướng Hóa phát hiện đường dây cờ bạc, nếu ông lập chuyên án đấu tranh, thì chắc chắn tên ông sẽ không có tên trong danh sách "hung thủ" lẫn nạn nhân.

Phan Sào Nam có lẽ chỉ là nạn nhân của chính mình – lòng tham. Nhưng nếu bị cáo buộc tiếp tay cho tội phạm, tướng Hóa vừa trở thành nạn nhân của chính mình, vừa trở thành "nạn nhân" của những ông trùm như Phan Sào Nam.

Một người nắm trong tay quyền lực, quyền năng điều tra, luôn tưởng rằng những ông trùm kia lúc nào cũng nằm trong tay mình, mình có thể khống chế được, nhưng không phải.

Không phải là những chi tiết chỉ có trên phim "Bạch tuộc", ở ngoài đời thực, chính những ông trùm mới là người dí ngọn giáo nhọn hoắt vào gót chân Achilles của quan chức.

Mũi giáo đó chính là tiền tài, danh vọng, và nó thường đồng hành cùng những thú hưởng lạc khác.

Nguyễn Thanh Hóa và Phan Sào Nam: Ai là nạn nhân, ai là thủ phạm? - Ảnh 1.

Một vụ án kiếm lợi bất chính đến hàng ngàn tỉ, thì "mũi giáo" kia càng lợi hại hơn bao giờ hết.

Những cán bộ công an, quan chức dính chàm trong vụ án Năm Cam, xét cho cùng, đều bị Năm Cam và thuộc hạ, điều khiển

. Khi đã bị vấy bẩn, mấy ai có dũng khí tự gột rửa mình bằng chất tẩy cực mạnh, có thể gây bỏng da, nhất là khi "làn da" đó là chiếc ghế êm ái, là biệt thự đắt tiền?

Nắm được tử huyệt ấy, các ông trùm luôn là người cầm trịch cuộc chơi, dù cho hàng ngày họ vẫn dạ thưa, hầu hạ người họ đã dắt mũi.

Nhưng có lẽ, người trẻ như Nam, ngoài việc là nạn nhân của chính mình, cũng sẽ đỡ sa lầy và cay đắng hơn, nếu những người dày dặn trường đời như tướng Hóa ra tay ngăn chặn sớm.

Khi một hòn tuyến nhỏ lăn xuống từ đỉnh núi tuyết, thì càng lăn xa, càng khổng lồ và có sức công phá khủng khiếp.

Khi đã thành quả cầu tuyết khổng lồ, nó sẽ đè bẹp cả người tạo ra cuộc chơi may rủi đó.

Khi viết đến những dòng này, tôi lại đặt câu hỏi: Cần những gì để hai người đang có tất cả như Phan Sào Nam, như Nguyễn Thanh Hóa, không rẽ tắt vào con đường nguy hiểm?

Tôi không trả lời được. Một người đói khổ tận cùng, quyết định ăn cắp ổ bánh mì cho cháu mình, như Jean Valjean (Những người khốn khổ), còn có thể biện minh chút ít về hoàn cảnh xô đẩy.

Những người đang có mọi thứ khiến người khác phải mơ ước, mà vẫn muốn có nhiều hơn bằng mọi giá, kể cả đẩy người khác vào chỗ bần cùng, thì vì cái gì?

Có lẽ chỉ có thể giải thích giống như người sếp cũ của Phan Sào Nam và câu cửa miệng của nghệ sĩ Xuân Bắc trong Ơn giời cậu đây rồi.

"Cuộc đời nở hoa hay cuộc sống bế tắc", đều phụ thuộc phần lớn vào sự lựa chọn của chính chúng ta. Chọn Chính thì đời sẽ không Tà và ngược lại.