Nhận đầu tư ồ ạt, người dân Campuchia vẫn bất mãn vì sự thiên vị "ra mặt" của các ông chủ người TQ

23-08-2019 - 20:18 PM

Ảnh minh họa: Reuters

Các chuyên gia cho rằng, các khoản đầu tư của Trung Quốc đã gây xáo trộn đời sống người dân Campuchia, tạo điều kiện cho tội phạm về tài chính và rửa tiền.

Từng là một thị trấn biển yên bình, ngày nay Sihanoukville đã phát triển mạnh, trở thành một trong những biểu tượng của nguồn đầu tư từ Trung Quốc tới Campuchia. Trong những năm gần đây, bộ mặt của thị trấn với 160.000 dân hoàn toàn thay đổi với hàng loạt casino, khách sạn và nhà máy do người Trung Quốc làm chủ.

Rất nhiều công ty Trung Quốc đã xây dựng nhà máy ở thị trấn của Campuchia. Điểm thu hút chính đối với các doanh nghiệp là Đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ), vùng kinh tế miễn thuế của Trung Quốc tại Campuchia. Các ông chủ Trung Quốc điều hành phần lớn trong số hơn 100 nhà máy trong khu vực.

Một công ty xây dựng Trung Quốc hiện đang xây đường cao tốc 4 làn để nối Sihanoukville với thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia đã được củng cố sau khi Trung Quốc và Campuchia thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2010.

Khoản đầu tư khổng lồ

Năm 2013, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) với mục tiêu xây dựng Con đường Tơ lụa thời hiện đại, cải thiện sự liên kết giữa châu Á, châu Âu và châu Phi.

Nhận đầu tư ồ ạt, người dân Campuchia vẫn bất mãn vì sự thiên vị ra mặt của các ông chủ người TQ - Ảnh 1.

Mặc dù đầu tư Trung Quốc đã giúp kinh tế Campuchia tăng trưởng mạnh, nhưng người dân bản địa không nhận được quá nhiều lợi ích về mặt kinh tế. Ảnh: Getty Images

Để đạt được điều đó, Trung Quốc xây dựng mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cảng biển và hệ thống đường ống tại nhiều quốc gia, bao gồm Campuchia.

Tới nay, Bắc Kinh đã đầu tư xây dựng cho 7 đập thủy điện với khả năng cung cấp được 1 nửa nhu cầu điện năng của toàn Campuchia. Trung Quốc cũng xây dựng khoảng 3.000 km đường cao tốc và vô số cây cầu từ giữa những năm 1990.

Tất cả các khoản đầu tư này đã khiến Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất của Campuchia.

Ảnh hưởng tiêu cực

Mặc dù đầu tư Trung Quốc đã giúp kinh tế Campuchia tăng trưởng mạnh, nhưng người dân bản địa không nhận được quá nhiều lợi ích về mặt kinh tế. Theo tờ Deutsche Welle (Đức), dường như các nguồn lợi chỉ dành cho một bộ phận trong xã hội Campuchia, những người sở hữu đất hoặc kinh doanh các ngành dịch vụ cho người Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thay vì thuê nhân công địa phương, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đưa người sang Campuchia. Điều này đã khiến cộng đồng người dân Campuchia rất bức xúc.

Các nhà quan sát cho hay, công ty Trung Quốc ưa chuộng lao động Trung Quốc hơn bởi vì họ sử dụng cùng ngôn ngữ, có cùng phong cách và văn hóa làm việc. Một báo cáo được Bộ Nội vụ Campuchia đưa ra cho biết, hơn 250.000 công dân Trung Quốc hiện đang lao động tại Campuchia, tương đương với hơn 60% tổng số người nước ngoài có mặt tại quốc gia này.

Một số chuyên gia cho biết, trong hầu hết các trường hợp, công nhân Trung Quốc được nhận mức lương cao hơn người Campuchia. Sophal Ear, một phó giáo sư tại Đại học Occidental, Mỹ, nói ngày càng có nhiều mối quan ngại về sự áp đảo của Trung Quốc trong nền kinh tế địa phương.

Ông Sophal cho rằng đầu tư của Trung Quốc - mặc dù giúp kinh tế tăng trưởng - lại có ảnh hưởng tiêu cực khi một phần lớn nguồn tiền được rót vào các sòng bạc và bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm tài chính và rửa tiền.

Một số quan chức Campuchia thừa nhận rằng mọi thứ không hoàn toàn "ổn" với dòng nhập cư người Trung Quốc.

Trang web của Cảnh sát Quốc gia Campuchia trích lời ông Sok Phal, Quốc vụ khanh Bộ nội vụ Campuchia, cho biết trong số 78.000 người Trung Quốc hiện cư trú tại tỉnh Preah Sihanouk, chỉ 20.000 người có giấy phép lao động. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Campuchia, từ năm 2014 tới cuối tháng 7, hơn 2.700 người Trung Quốc đã bị trục xuất.

Phụ thuộc vào Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Campuchia đã ngày càng phụ thuộc vào các hỗ trợ về tài chính và ngoại giao từ Trung Quốc giữa bối cảnh Phnom Penh phải đối diện với áp lực ngày càng lớn từ Phương Tây.

Giao dịch giữa Campuchia và Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt 6 tỉ USD trong năm 2017. Hàng xuất khẩu từ Trung Quốc tới Campuchia chiếm 87% con số này. Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói Trung Quốc mong muốn thương mại song phương đạt 10 tỉ USD vào năm 2023.

Theo Bộ Du lịch Campuchia, khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc đã tới thăm Campuchia vào năm 2018, tăng 70% so với năm trước đó. Con số này ước tính sẽ đạt 3 triệu du khách vào năm 2020.