Nữ CEO trẻ: "Mối quan hệ giữa các co-founders giống như một cuộc kết hôn nhưng mâu thuẫn bắt buộc phải xảy ra khi start up"

14-09-2018 - 23:24 PM

Mâu thuẫn hay tranh luận là điều bắt buộc phải xảy ra vì có như thế mới có cơ hội để cùng nhau tìm được hướng phát triển cho công ty.

Mới đây, trong một sự kiện để cổ vũ phụ nữ Việt Nam dấn thân vào con đường kinh doanh, lãnh đạo, khởi nghiệp của tổ chức Lean In Vietnam (LIV), hai vị diễn giả là chị Cassie Nguyễn, Cofounder & COO Abivin và chị Annie Vũ, Cofounder & CEO Tubudd đã chia sẻ rất nhiều về những trải nghiệm, thành công, thất bại cũng như thách thức dành cho phụ nữ hiện đại.

Nhiệm vụ của LIV là truyền cảm hứng, giáo dục và trao quyền cho phụ nữ Việt Nam để họ theo đuổi tham vọng nghề nghiệp và đạt được cuộc sống hạnh phúc, thành công. Hơn nữa, LIV là tập hợp một nhóm đến từ khắp nơi trên đất nước, trao quyền, hỗ trợ lẫn nhau để thành công và thay đổi từ không thể thành có thể.

Chị Cassie Nguyễn chia sẻ: "Ở Việt Nam chỉ có khoảng 25% đến 35% các CEO doanh nghiệp là nữ, tuy nhiên, con số này vẫn cao so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia…

Những khó khăn khởi nghiệp mình nhận thấy không chỉ ở nữ giới mà còn cả ở nam giới, nhưng đặc biệt là với phụ nữ thì định kiến xã hội còn nhiều. Có 3 yếu tố sau đây chắc chắn bất cứ ai cũng có thể thấy rõ:

Mức lương chênh lệch giữa đàn ông và phụ nữ, ví dụ như chênh lệch 10,71% ở vị trí sales manager. Số liệu phụ nữ tham gia nhiều vào lao động nhiều nhưng nhiều nhất là ở các lĩnh vực bán lẻ, việc nhà không phải các lĩnh vực yêu cầu công nghệ cao, công việc yêu cầu độ tập trung hay áp lực cao…

Bài toán cân bằng cuộc sống gia đình và công việc. Chuyện chăm sóc gia đình là một vấn đề lớn. Đối với mình, trong 2 năm đầu khởi nghiệp, thời gian chủ yếu đều ưu tiên cho công việc. Mình cũng giải thích với gia đình để nhận được sự thông cảm từ người thân và những người xung quanh. Hơn nữa, mình cũng đánh đổi những sở thích cá nhân với công việc.

Rào cản tâm lí. Đầu tiên là lo về độc lập tài chính, lỡ đang làm mà lại thiếu thì sao. Thứ hai là không tin vào bản thân có đủ mạnh để làm không. Câu trả lời là không làm thì không biết mình có làm được hay không, nếu không làm bạn chỉ đoán là mình mãi mãi không làm được. Quan trọng nhất là phải tự thuyết phục bản thân chắc chắn làm được thì mới gỡ bỏ được rào cản tâm lí."

Nữ CEO trẻ: Mối quan hệ giữa các co-founders giống như một cuộc kết hôn nhưng mâu thuẫn bắt buộc phải xảy ra khi start up - Ảnh 1.

Chị Annie Vũ cho biết: "Thách thức đầu tiên mình nhận thấy là phụ nữ Việt Nam không được giáo dục để đối mặt với thách thức, để trở thành người can đảm, có đam mê và có giấc mơ lớn. Những người có giấc mơ lớn là những người muốn khởi nghiệp, tạo ra sự khác biệt, muốn đưa sản phẩm mình làm ra ngoài thế giới. 

Tại sao họ có thể làm mà chúng ta không thể? Phụ nữ Việt Nam từ xa xưa đã có thể đánh giặc, thậm chí giết giặc, họ tự mình làm được những việc đấy, tại sao phụ nữ hiện đại lại nói "không"? 

Nhiều khi bản thân mình bắt đầu một việc gì đó, luôn tự cho rằng mình không làm được, như vậy chính mình tự tạo ra thách thức và rào cản cho bản thân chứ không phải xã hội hay người khác. Nhưng nếu cứ cho đó là thách thức riêng đi thì mình phải tự thân vận động, động viên bản thân phải vượt qua mọi trở ngại. 

Mỗi gia đình, mỗi xã hội đều có những tiêu chuẩn khác nhau, nếu bản thân cứ phải thỏa mãn hết những tiêu chuẩn ấy thì làm sao có thể nói là mình sống cho mình. Trong cuộc sống, trên mỗi quãng đường, chúng ta đều có những ưu tiên riêng cho một điều gì đó. Mình phải đặt cho bản thân một mục tiêu nhất định cho từng quãng đường, vẽ ra mình là ai, mình làm được gì để đạt được thành công. 

Đừng thấy người khác thành công sớm, thành công trước mà nghĩ là mình thất bại rồi, cứ đi theo tốc độ và mục tiêu của mình thôi. Chúng ta đang sống trong thế hệ Y mà chỉ cần chán việc là nghỉ, lương thấp là nghỉ, và đó sẽ là cơ hội cho những ai biết tận dụng, chỉ cần đam mê hơn, kiên trì hơn là chắc chắn chạm đến thành công. 

Hãy bỏ suy nghĩ bất bình đẳng đi, đừng nghĩ là họ là đàn ông thì có thể, đừng nghĩ họ thành công vì họ là đàn ông. Hãy nghĩ rằng đó là một con người chăm chỉ hơn, ý chí hơn, đam mê hơn nên thành công hơn mình. Hãy hành động ngay bây giờ, hãy có những hành động đúng đắn nhất với thành công của chính mình, đừng chần chừ!"

Nữ CEO trẻ: Mối quan hệ giữa các co-founders giống như một cuộc kết hôn nhưng mâu thuẫn bắt buộc phải xảy ra khi start up - Ảnh 2.

Khi nhận được câu hỏi là làm sao để giải quyết vấn đề mâu thuẫn khi cả hai founder đều cảm thấy ý kiến của mình đúng và không muốn chấp nhận ý kiến của đối phương, chị Cassie Nguyễn đã trả lời: "Đây là một chuyện bình thường khi khởi nghiệp và trong bất cứ một nhóm nào thì cũng đều xảy ra các cuộc tranh luận. Mâu thuẫn hay tranh luận là điều bắt buộc phải xảy ra vì có như thế mới có cơ hội để cùng nhau tìm được hướng phát triển cho công ty. 

Cách giải quyết của mình là luôn luôn có một luật chung: Mỗi một người sẽ phải lắng nghe người kia trình bày hết ý kiến để có thể nhận biết được điểm tốt và điểm yếu của giải pháp; hơn nữa, phản biện rất tốt nhưng với mục tiêu là phải đưa tới một kết luận cuối cùng. 

Chúng ta phải tranh luận làm sao để bước ra khỏi văn phòng tất cả mọi người đều "thông", không còn cằn nhằn hay hối tiếc gì nữa. Có những tranh luận rất khó, chẳng hạn liên quan tới định hướng lâu dài của công ty, diễn ra đến cả tuần."

Cùng ý kiến với COO Abivin, chị Annie Vũ chia sẻ: "Khi ngồi bàn luận cùng nhau, mỗi người nên "mở" cái tai và "mở" cái lòng của mình ra bởi chẳng ai có đủ kinh nghiệm cả, bắt tay vào khởi nghiệp thì tất cả cũng chỉ mới chập chững bước đi mà thôi. Vậy điều mà mỗi chúng ta nên làm là lắng nghe, xem đó có phải là điều mình nên làm hay không. Trước khi kết luận điều cuối cùng, chúng ta cần phải lắng nghe và lắng nghe."

Nữ CEO trẻ: Mối quan hệ giữa các co-founders giống như một cuộc kết hôn nhưng mâu thuẫn bắt buộc phải xảy ra khi start up - Ảnh 3.

Với câu hỏi làm thế nào để phân biệt rõ mối quan hệ đồng nghiệp ở công ty và quan hệ bạn bè ngoài đời sống khi lỡ xảy ra mâu thuẫn làm việc, CEO Tubudd cho biết: "Mối quan hệ giữa các co-founders giống như là một cuộc kết hôn vậy, phải có sự đồng điệu, thấu hiểu nhau. Mình phải biết họ giỏi ở mảng gì, phải hiểu họ đang gặp vướng mắc gì trong cuộc đời của họ, phải thực sự lắng nghe. Như thế, mình sẽ có những suy nghĩ và phản biện sao cho đúng. Nên phân biệt rõ, việc ở công ty và việc ở nhà là hai việc khác nhau. Chẳng hạn, đang bất đồng với nhau ở công ty thì khi bước về nhà, phải lập tức rũ bỏ những cảm xúc ấy đi và trở lại bình thường."

Còn chị Cassie Nguyễn, điều này phải thật rõ ràng vì chồng chị cũng là founder của Abivin: "Mình phải rất tin tưởng vào các partners và đặt mục tiêu rõ ràng, còn về phía gia đình, mình cũng có những quy định riêng. Khi xảy ra mâu thuẫn, tất cả đều phải ghi nhớ những điều đó để đạt được tầm nhìn cuối cùng đề ra. Hơn nữa, lắng nghe người khác, bản thân mình sẽ biết đặt bản thân vào vị trí họ để giải quyết vấn đề khéo léo."