Phi công Nga thượng thặng bay cực khó: Quý phi công KQVN đến mức "phá luật"

23-09-2019 - 11:46 AM

Khi chiếc số 3 của anh Chính và chiếc số 4 của anh Liên đã sẵn sàng cất cánh, tôi vội vàng lên ngay RP (đài chỉ huy) và giương camera để quay, chụp lại những hình ảnh để đời.

Ban bay đặc biệt: Chỉ có thể nói là "tuyệt vời"

Tiếng động cơ của cả 2 chiếc L-39 rú lên ở vòng quay tối đa, cùng một lúc trong hai cabin các phi công cùng thả phanh, hai chiếc L-39 chồm lên chạy đà.

Các phi công Nga và phi công VN đều là các phi công lành nghề có hàng nghìn giờ bay. Họ đã từng bay biên đội biểu diễn (như anh Chính đã từng bay biên đội 14 chiếc L-39 xếp hình số 40) còn các phi công Nga thì vừa bay biểu diễn cách đây đúng 1 tuần nên hai chiếc L39 đồng điệu như một, cùng nhau nhấc bánh mũi và rời đất.

Hai chiếc L-39 biên đội như hình với bóng bám sát nhau làm một cú thông trường ở độ cao hơn 100 mét sau đó vọt lên làm thêm một động tác khoan 2 vòng.

Trong đài chỉ huy, nơi "linh thiêng nhất" của sân bay lần đầu tiên tôi cầm mic và "chỉ huy bay" với các thầy của mình. Từ không trung những lời cảm thán như "Nghe tốt", "Tuyệt vời" được các phi công Việt Nam thốt lên trong sự sung sướng.

Được hiểu rằng các phi công Nga vừa thực hiện một động tác gì đó mà chỉ có những ai bay mới hiểu nổi. Còn phi công Nga thì nói "Khoroso", "Molodes" thì tôi biết ngay là họ thả cho hai phi công KQVN được thoải mái làm các động tác trong khi bay.

Sau 20 phút bay, biên đội giải tán vào các không vực để thực hiện các bài bay phức tạp hơn. Chắc chắn cảm nghĩ, ấn tượng này các phi công Nam Liên và phi công Đình Chính sẽ tự giãi bày vào những dịp gặp gỡ với anh em bạn bè, đồng đội.

Chỉ biết rằng sau khi tự hạ cánh, lăn về bãi đậu. Rời khỏi máy bay chúng tôi ôm nhau sung sướng đến chảy nước mắt. Các phi công Nga thì rất hài lòng và đánh giá cao các phi công Việt Nam. Sau 30 năm không cầm lái mà còn nhớ tốt và các kỹ thuật bay cơ bản vẫn rất ổn.

Khỏi phải nói là anh Nam Liên phấn khích ra sao, anh hồ hởi, sung sướng reo váng cả góc sân bay, có lẽ tôi là người hiểu anh nhất như "một con nghiện".

Phi công Nga thượng thặng bay cực khó: Quý phi công KQVN đến mức phá luật - Ảnh 2.

Xe tiếp dầu đã nạp xong cho chiếc số 4. Đến lượt tôi vào bay. Mũ mãng chỉn chu, đồ bay chuyên dụng của KQVN với cờ đỏ sao vàng trên ngực. Một sự tự hào trỗi dậy, tôi đi ra bãi đậu vào trèo lên buồng lái....

Ngồi vào buồng lái sau của chiếc L-39 thân thuộc. Cả một khoảng trời và cả thời trai trẻ của chúng tôi cách đây hơn 30 năm hiện về rõ mồn một. Có một chút hồi hộp, một chút lâng lâng, một chút xúc động, một chút tự hào và hãnh diện.

Hãnh diện là chưa có ai tổ chức được một ban bay hoành tráng với L-39 xịn, đẹp với những phi công thượng thặng như thế. Xúc động là chưa bao giờ, chưa từng có ở Việt Nam là được nhận một món quà có giá trị tinh thần vô giá như chuyến bay này.

Tự hào là tình bạn của tôi với anh Nam Liên và các anh trong đội được thể hiện bằng một ngày bay và chắc chắc là duy nhất ở Việt Nam chỉ có tôi và anh Nam Liên được tặng quà là một chuyến bay với máy bay chiến đấu phản lực L-39.

Lâng lâng là mình không phải là môi giới mà đã trở thành cầu nối thực sự cho những ai đam mê bầu trời, máy bay và hàng không.

Từ nay tôi tự tin nói rằng tôi sẽ giúp các bạn được bay nếu các bạn thích hay có thể nói vui rằng: Chỉ cần thích là tôi giúp được các bạn "Nhích".

Phi công Nga thể hiện động tác bay cực kỳ khó

Anh Chính vẫn chu đáo như ngày nào, trèo lên giúp tôi kiểm tra lại các dây đai bảo hiểm, nhắc nhở tôi phải nhớ các yếu lĩnh cơ bản.

Động cơ đã được khởi động, kiểm tra các tham số cơ bản đều tốt. Một nhân viên kỹ thuật giúp tôi đóng nắp buồng lái. Tôi đẩy cần khoá nắp. Và ra khẩu lệnh "sẵn sàng lăn bánh". Tiếng máy rú lên để tạo lực đẩy chiếc L-39 giật nhẹ và lăn ra đường lăn.

Phi công Nga thượng thặng bay cực khó: Quý phi công KQVN đến mức phá luật - Ảnh 3.

Anh Chính chu đáo trèo lên giúp kiểm tra lại các dây đai bảo hiểm, nhắc nhở phải nhớ các yếu lĩnh cơ bản.

Ra đường băng. Một mình trên đường băng rộng lớn, đường chân trời nằm ngang thẳng tắp. Tôi bóp phanh và đẩy vòng quay lên "Maximum" kim đồng hồ vòng quay động cơ chạy nhanh qua số 100. Đài chỉ huy cho phép cất cánh. Tôi nhả phanh, lưng dính vào ghế chiếc máy bay.

Tuy nhiên cảm nhận tốc độ đã khác xa ngày trước. Cách đây 32 năm từ Việt Nam được đi Nga đã là "đổi đời" được ngồi lên máy bay với tốc độ cất cánh là 160km/h là đã thấy hoa mắt. Thì bây giờ chạy xe con đã có lúc tôi đạt tốc độ 220km/h. Nên việc chạy đà cất cánh cảm thấy thậm chí là "hơi chậm".

Nhấc bánh mũi, vài giây sau chiếc L-39 mang số 4 với tôi ở buồng sau đã tách đất. Phía trước là bầu trời (đúng nghĩa), xanh thẳm với những đám mây bông.

Lần này chỉ có một mình máy bay của tôi, nên chúng tôi bay và làm các động tác nhào lộn luôn tại đỉnh sân. Làm một vòng kín nhỏ, tôi lao vút vào thông trường ( bay dọc đường băng) ở độ cao chỉ khoảng 100m. Sau đó, vừa đánh độ nghiêng vừa lấy độ cao lên 3.500 mét.

Tôi lấy một đám mây bông to nhất làm chuẩn và bay vòng quanh nó. Cảm giác trên dưới, xung quanh chỉ có mây và trời thật vô cùng thú vị.

Sau một vòng ép độ nghiêng bay quanh đám mây. Chúng tôi (phi công ở buồng trước và tôi) làm động tác bổ nhào ở góc cắm xuống 40• đến độ cao khoảng 500 mét cách mặt đất, tăng vòng quay tối đa, kéo cần lái vào người máy bay vọt lên độ cao 3.500m và đánh lái để khoan lên và đến đỉnh thì lật ngửa máy bay làm một cú lộn vòng chiến đấu.

Khi máy bay cắm xuống đến 500 m lại kéo cần lái vào người, đẩy vòng quay lên tối đa chúng tôi làm thêm một "phát" thắt vòng đứng.

Cảm nhận tải ép đến 5G lên tay và đầu một cách rõ nhất. Ở góc ngóc lên đến 60•, chiếc máy bay rung bần bật. Mắt mũi tôi tối sầm lại. Tiếp tục làm một lần bổ nhào và vọt lên đỉnh. Lần này phi công Nga thể hiện động tác bay cực kỳ khó cho tôi cảm nhận tức là khoan 360• với 4 góc 90•.

Tức là cứ đến góc 90• thì quá trình khoan chững lại một phần giây.... Ngồi trong buồng lái thấy mình xoay tròn treo trục dọc của máy bay nhưng bị giật giật ở các góc 90•.

Đến lúc này thì cảm nhận về sức chịu đựng đã thể hiện rõ. Không còn háo hức và mạnh mẽ như chàng thanh niên 18-19 tuổi nữa mà đã là của chàng thanh niên với 32 năm sau. Tôi hổn hển, vã mồ hôi.

Cảm giác tê tê như người say thuốc lào, tuy nhiên tôi vẫn tỉnh táo. Phi công Nga hỏi tôi "ta tiếp tục" (làm các động tác phức tạp)? Tôi bấm nút liên lạc và nói "Đủ rồi". Chúng tôi cải bằng máy bay lượn mấy vòng nhỏ để giảm độ cao và về hạ cánh.

Phi công Nga thượng thặng bay cực khó: Quý phi công KQVN đến mức phá luật - Ảnh 4.

"Chỉ huy bay".

Tôi lượn về hạ cánh. Đường băng rộng thênh thang. Một mình một sân tôi hạ cánh nhẹ nhàng với tốc độ 200km/h. Lăn về bãi đậu trong sự chào đón của mọi người. Anh Liên là người đầu tiên đón tôi.

Tháo dây đai, cởi mũ bay. Ra khỏi buồng lái anh ôm tôi thật chặt. Sung sướng vô cùng. Cứ như mới "thắng trận" trở về vậy. Mọi người hồ hởi chúc mừng tôi đã hoàn thành bài bay một cách tốt đẹp.

Sau tôi đến anh Lê Anh Tuấn (cựu giáo viên vũ khí hàng không) lên bay. Anh cũng là người mê hàng không và yêu bầu trời. Nhiều thế hệ phi công chiến đấu của Không quân Việt Nam đã được anh giảng giải về tính năng, công dụng của các loại vũ khí được lắp trên các loại máy bay.

Anh tự học tiếng Nga nhưng trình độ nghe nói của anh thật đáng nể. Lần này được bay L-39 cũng là lần đầu tiên trong đời của anh được thử cảm xúc với máy bay phản lực.

Cuối cùng là anh Hà Vĩnh Tiến, cựu qĩ quan Không quân Việt Nam và bây giờ là một doanh nghiệp. Anh Tiến cũng bay L-39 lần đầu tiên trong đời. Một chuyến cảm giác cũng đủ để anh cảm nhận thấy "phê" đến mức nào. Vài động tác nhào lộn là đủ để thấy việc bay là lao động vô cùng nặng nhọc.

Sau khi anh Tiến hạ cánh, Đội trưởng Đội bay biểu diễn RUS - Đại tá phi công Anatoli Marulco tập hợp chúng tôi lại một hàng ngang và trịnh trọng trao chứng chỉ. Một nghi lễ rất trang trọng và nghiêm túc đối với người bay. Thật sự rất xúc động và cá nhân tôi, một lần nữa xin được cám ơn các anh đã cho tôi một món quà không gì so sánh nổi.

Phi công Nga thượng thặng bay cực khó: Quý phi công KQVN đến mức phá luật - Ảnh 5.

Đội trưởng Đội bay biểu diễn RUS - Đại tá phi công Anatoli Marulco trịnh trọng trao chứng chỉ.

Riêng với tôi thì lần này lại có những tình cờ cực kỳ thú vị. Khi làm quen với các bạn phi công Nga, tôi kể về mình và những quan hệ mà mình có thì "hoá ra" tôi và Đại tá Anatoli Marulco (Đội trưởng đội bay) có thể nhận nhau là "đồng hương" được.

Chả là nhà Anh ấy trong cùng một làng với nhà bà mẹ vợ tôi. Khi biết nhau có chung một "quê" chúng tôi ôm nhau vui sướng và càng thân mật hơn.

Ban bay kết thúc, kết thúc "Tuần lễ vàng" của chúng tôi tràn ngập các sự kiện ấn tượng, mỹ mãn.

Nào là Triển lãm Hàng không quốc tế MAKS 2019 với các bàn trình diễn bay lượn suất sắc. Nào là thăm quan Thành phố Saint Petersburg thơ mộng, cổ kính và đỉnh điểm là ngày bay với Đội bay RUS vừa biểu diễn tại MAKS 2019 tuần trước rất hoành tráng, thành công tuyệt đối.

Phi công Nga thượng thặng bay cực khó: Quý phi công KQVN đến mức phá luật - Ảnh 6.

Những chén rượu "tình" giữa các bạn Nga và Việt Nam.

Bỗng có tiếng xièn xẹt như xé vải, quay lại thì hoá ra lại là ông Nam Liên "đầu têu" đang bóc các miếng phù hiệu dán trên bộ đồ bay để tặng các bạn Nga, làm các bạn Nga cũng phải "Xé quần, xé áo" lấy các miếng cờ, phù hiệu tặng lại. Riêng tôi được ưu ái nhất và nhận một chiếc mũ bay da làm kỷ niệm.

Hình ảnh này rất đậm chất "nhà nghề" của những người bay hay còn gọi là Phi công. Tình cảm nồng ấm, thân thiện làm các bạn Nga chưa chịu cho chúng tôi về. Phá luật, một bác tham mưu phó đã lén lôi từ đâu ra hai chai vodka.

Rót đầy các chén vốn đã được chuẩn bị từ lúc nào, và bắt tất cả phải nâng cốc. Chén thứ nhất vì những người phi công đã, đang và sẽ bay. Chén thứ 2 vì những phi công đã hy sinh. Chén thứ 3 vì tình hữu nghị của các phi công KQVN và Nga.

Một mình anh Tiến không uống vì còn phải lái xe về. Mình tôi đã ngất ngưởng say. Anh Liên, anh Tuấn thì hát hò các bài hát cả Nga và Việt cả chặng đường về hơn 2 tiếng trên xe. Còn anh Chính thì cứ tủm tỉm cười, như nhấm nháp một cảm xúc mà sau hơn 30 năm mới tìm lại được.

Một kỷ niệm không bao giờ quên!