Phó Thủ tướng: Hoàn thiện chính sách để phát triển HTX

06-12-2017 - 18:52 PM

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chưa khi nào kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) kiểu mới được nhìn nhận, coi trọng và phát triển thuận lợi như hiện nay để khoả lấp khoảng trống nguồn cung sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp và liên kết sức mạnh của sản xuất cá thể, hộ gia đình.

Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ sơ kết 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 ngày 6/12.

HTX là xu hướng tất yếu

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại Hội nghị Trung ương 5 khoá IX, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể. Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục dành quan tâm cho kinh tế tập thể khi nêu rõ: "Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế HTX; Đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế HTX trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ".

Triển khai chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, kinh tế tập thể và HTX đã có những bước phát triển về "chất". Từ tỉ lệ 10% tổng số HTX hoạt động hiệu quả vào năm 2012, tới nay đã có 30% số HTX trên cả nước hoạt động hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước trong 4 năm qua trên 4%.

Đặc biệt, sau các hoạt động sơ kết 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, trên cả nước từ đầu năm tới nay, số HTX kiểu mới ra đời theo quy định của Luật (trên 1.000 HTX) đã bằng gần 1/3 tổng số HTX ra đời trong 4 năm trước đó.

Đánh giá thực chất về hiệu quả của HTX, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng không chỉ căn cứ vào thu nhập, lợi nhuận của HTX mà phải dựa trên giá trị gia tăng của hộ gia đình khi tham gia HTX. "Như Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nói, hộ gia đình tham gia HTX giúp thu nhập tăng thêm 35% so với trước khi tham gia HTX - đó là giá trị của mô hình của HTX kiểu mới", Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, trong điều kiện thị trường mất cân xứng hiện nay, đầu vào rất ít người bán nhưng nhiều người mua, trong khi đầu ra ngược lại, nhiều người bán nhưng rất ít người mua mà không có HTX đứng ra làm vai trò thương thảo các hợp đồng về tiêu thụ và vật tư thì chỉ thua thiệt cho người nông dân.

Trên xu hướng mới về phát triển kinh tế tập thể gắn với cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp, Trưởng Ban chỉ đạo chỉ ra bài học thuận lợi để phát triển HTX là khi lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền của địa phương quan tâm thì kinh tế hợp tác sẽ phát triển thuận lợi. "Chưa khi nào kinh tế tập thể, HTX kiểu mới được nhìn nhận, coi trọng và phát triển thuận lợi như hiện nay để khoả lấp khoảng trống nguồn cung sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp và liên kết sức mạnh của sản xuất cá thể, hộ gia đình", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng: Hoàn thiện chính sách để phát triển HTX - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp phát triển kinh tế tập thể, HTX. Ảnh: VGP/Thành Chung

Hoàn thiện chính sách thực hiện Luật HTX năm 2012

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh chưa cần phải sửa Luật HTX 2012 và phải giải quyết nợ đọng về văn bản hướng dẫn, đưa Luật đi vào cuộc sống tốt hơn.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về HTX, xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến, trong đó có sự liên thông giữa thủ tục đăng ký HTX và đăng ký thuế để bảo đảm thống nhất, minh bạch quy trình đăng ký HTX trên toàn quốc. Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX đến năm 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho HTX, hướng đến mục tiêu dứt khoát có 15.000 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Bộ KH&ĐT nghiên cứu hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyển đổi HTX sang doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác; hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg (phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020).

Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và HTX giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát nội dung Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hỗ trợ tập trung, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao; xây dựng hướng dẫn đồng bộ tiêu chí phân loại HTX để thực hiện thống nhất trên cả nước.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế riêng cho HTX để tạo điều kiện hỗ trợ HTX phát triển và xem xét quy định thuế thu nhập doanh nghiệp cho HTX chỉ bằng khoảng 70% so với doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu miễn thuế 2 năm đầu đối với HTX mới thành lập, hỗ trợ về thuế theo quy định trong thời hạn từ 3 đến 5 năm, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập có được từ vốn góp của HTX, cập nhật trong sửa đổi luật thuế và một số luật trong năm 2018.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thành nghị định về bảo hiểm nông nghiệp và tổng hợp kết quả xử lý nợ đọng, nợ xấu của các HTX (ước tới thời điểm này là 300 tỷ đồng) có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để xóa nợ khê đọng cho các HTX, tạo điều kiện cho HTX có thể phá sản, giải thể hoặc có thể chuyển đổi được để lấy dư địa cho phát triển HTX kiểu mới tốt hơn.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT xây dựng phương án liên thông giữa thủ tục đăng ký HTX và đăng ký thuế, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn xử lý tài sản không chia của HTX khi giải thể, chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác, các quy định về đánh giá tài sản không chia khi đây là vấn đề hiện nay các HTX đang vướng mắc nhiều.

Bộ Tài chính phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam hướng dẫn quy định về kiểm toán HTX theo  Luật HTX, trình Thủ tướng ban hành quyết định về quy chế hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển HTX của địa phương. Phó Thủ tướng cho biết đã trình Thủ tướng đồng ý thành lập Quỹ Phát triển HTX Trung ương với số dư 1.000 tỷ đồng và trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, năm nay cũng trích ra 300 tỷ đồng để làm quỹ. Hiện đã có 43 địa phương thành lập quỹ nhưng số dư còn nhỏ.

Đối với Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng yêu cầu trình Chính phủ ban hành nghị định về hỗ trợ liên kết HTX sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các nghị định sửa đổi Nghị định về chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn, Nghị định về giảm tổn thất sau thu hoạch và lập đề án trình Chính phủ phê duyệt đổi mới phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo nghị quyết của Quốc hội. Xây dựng đề án hỗ trợ phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho HTX vay vốn, đặc biệt là HTX nông nghiệp, sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó đưa tài sản trên đất như nhà lưới, nhà kính, phương tiện hình thành sau sản xuất kinh doanh đều có thể làm tài sản thế chấp để cho vay. Đối tượng vay không chỉ là doanh nghiệp mà cả HTX, trang trại, nông trại. Ngân hàng Nhà nước thống kê khoản nợ của các HTX có nguồn gốc từ tín dụng, giải quyết theo nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật hiện hành để tạo điều kiện cho HTX chuyển đổi hoạt động.

Với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng chỉ đạo có hướng dẫn về tiền lương làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp chủ nhiệm HTX không hưởng lương, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đối với những người là lãnh đạo HTX và cán bộ HTX.

Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất nghiên cứu ủy thác cho Liên minh HTX Việt Nam một số chức năng quản lý nhà nước, có kế hoạch tăng cường năng lực và phát huy hiệu quả của quỹ phát triển HTX, xây dựng các mô hình điển hình trong việc xây dựng các chuỗi giá trị hỗ trợ cho việc xây dựng thương hiệu của các HTX…

"Muốn có HTX kiểu mới thì cần phải có tư duy mới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX. HTX nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông hưng thịnh. HTX nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích ích quốc lại lợi dân", Phó Thủ tướng cho rằng câu nói này đến giờ còn nguyên giá trị, với cả các HTX trong các lĩnh vực khác.

Phải nhận thức về vị trí và vai trò của kinh tế hợp tác, HTX, nhất là trong nông nghiệp, việc này gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải pháp cho tái cơ cấu, không có HTX nông nghiệp thì không thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời phải gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thực chất là tổ chức lại sản xuất để gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; làm cho nông dân liên kết với nhau trong điều kiện của kinh tế thị trường.

Theo Phó Thủ tướng, hiện vẫn còn mặc cảm tư duy của HTX thời bao cấp, "phải tránh hai cực, một là buông lỏng, không quan tâm, hai là chạy theo phong trào, phá vỡ các nguyên tắc và các quy luật về kinh tế. Bài học là ở đâu Bí thư, Chủ tịch xắn tay vào, ở đó thành công".