Rốn lũ Đà Bắc (Hoà Bình): 10 người chết và mất tích, 16 xã chưa có thông tin, 3 đập có nguy cơ vỡ

12-10-2017 - 07:01 AM

Đến thời điểm hiện tại, huyện Đà Bắc đang là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Hoà Bình.

Sau hai ngày mưa liên tục (từ 9/10), huyện Đà Bắc (Hoà Bình) hiện tại rơi vào tình trạng bị cô lập. Tỉnh lộ 433 từ TP. Hoà Bình đi Đà Bắc chỉ dài khoảng 8km nhưng có tới gần 30 điểm sạt lở, trong đó 9 điểm sạt lở nghiêm trọng. 

Khoảng 14 giờ ngày 11/10, cả quả đồi lớn đoạn chạy qua xã Hoà Bình (TP. Hoà Bình) ập xuống biến toàn bộ phần đường thành vũng lầy bùn đất, các phương tiện không thể di chuyển. Từ thời điểm này, con đường vào trung tâm huyện chính thức bị chia cắt, mọi hoạt động cứu trợ bị đình trệ.

Rốn lũ Đà Bắc (Hoà Bình): 10 người thương vong, 14 xã chưa có thông tin, 3 đập có nguy cơ vỡ - Ảnh 1.

Tỉnh lộ 433 vào huyện Đà Bắc bị chia cắt.

Thống kê ban đầu của UBND tỉnh Hoà Bình, đến thời điểm hiện tại, trên toàn địa bàn tỉnh có 14 người chết và mất tích. Riêng huyện Đà Bắc đã có 3 người chết 7 người mất tích. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng chỉ tiếp cận được 4/20 xã, còn 16 xã chưa có thông tin, 3 hồ đập có nguy cơ vỡ ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân của nhiều tỉnh.

"Hiện tại còn 16/20 xã chưa thể có thông tin liên lạc, các trạm viễn thông đều không hoạt động do xăng không thể chuyển vào. Chúng tôi đang nỗ lực để nối lại thông tin ở các địa phương này", ông Nguyễn Đức Dũng (CT UBND huyện Đà Bắc) cho biết.

"Bây giờ điều chúng tôi lo ngại nhất là tình trạng báo động ở 3 hồ đập lớn trong huyện, đêm qua chúng tôi đã sơ tán 80 hộ dân ở Hồ Tráu vì hồ này đã xuất hiện vết nứt nguy cơ vỡ rất cao. Các hộ dân ở hồ thị trấn đã được thông báo chuẩn bị quân tư trang khi có báo động sẽ được sơ tán", ông Dũng lo ngại.

Rốn lũ Đà Bắc (Hoà Bình): 10 người thương vong, 14 xã chưa có thông tin, 3 đập có nguy cơ vỡ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Dũng (CTUBND huyện Đà Bắc) lo ngại tình hình hồ đập sẽ có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Trước tình hình hồ đập nguy hiểm, UBND huyện Đà Bắc đã có thông báo khẩn cho các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ) chuẩn bị sẵn phương án ứng phó nếu như đập vỡ. Hàng cứu trợ cũng sẽ được UBND huyện chuyển vào một số xã bị cô lập có thể tiếp cận bằng đường sông vào sáng ngày 12/10.