Shark Dũng chỉ rành mạch 5 thói quen của người thành công và tiêu chí chọn người đồng hành vô cùng lợi hại

03-12-2019 - 09:16 AM

Được yêu cầu kể ra 7 thói quen của một người thành đạt, Shark Dũng cho rằng mình kể 5 thói quen là đủ rồi, không cần 2 điều cuối cùng nữa.

Shark Dũng, hay còn được khán giả gọi là Shark Dzung Nguyễn, là một gương mặt mới xuất hiện trong chương trình Shark Tank Vietnam mùa 2 và 3 nhưng lại chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả. Anh đang sinh sống tại Nhật và làm việc ở Việt Nam.

Hiện tại, Shark Dũng đang nắm giữ vị trí Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan, đồng sáng lập và là cổ đông của nhiều ứng dụng nổi tiếng như Tiki, Vatgia, Foody, Jamja, NhacCuaTui, Batdongsan, Vicare, Jupviec, Topica, Vexere, CleverAds và Luxstay… Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và công nghệ, Shark Dũng đã/đang dẫn dắt gần 30 start-up thành công.

Là một người được coi là biểu tượng truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ, đặc biệt là các bạn đang ấp ủ ý định khởi nghiệp, Shark Dũng "lần đầu" tiết lộ về những thói quen của người thành đạt. Những người rèn giũa được những thói quen tốt này chắc chắn sẽ gặt hái được những thành quả trong tương lai.

1. Kỉ luật

2. Xây dựng được chữ tín: hứa là làm

3. Phải biết điều chỉnh: biết lắng nghe, biết thay đổi

4. Tôn trọng ý kiến phía đối lập

5. Có khả năng truyền đạt tốt

Câu hỏi muốn Shark Dũng đưa ra 7 thói quen của người thành đạt. Tuy nhiên, sau một hồi suy nghĩ, Shark Dũng thấy con số 5 là đủ rồi. Anh cười trừ và nói: "5 rồi, tìm đâu ra 2 điều nữa".

Ngoài ra, khi được hỏi về tiêu chí chọn người đồng hành, Shark Dũng nhấn mạnh:

"Điều quan trọng là chân thật. Nếu đối phương chân thật mình sẽ sẵn sàng chia sẻ sự chân thật. Khi 2 bên chia sẻ sự chân thật, cả 2 bên sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung bởi làm việc không cùng "ngôn ngữ" sẽ khó khăn hơn cả".

Shark Dũng chỉ rành mạch 5 thói quen của người thành công và tiêu chí chọn người đồng hành vô cùng lợi hại - Ảnh 1.

Còn đối với câu hỏi "Với startup công nghệ, quy mô thị trường như thế nào sẽ hấp dẫn nhà đầu tư?", là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và công nghệ, anh trả lời rành mạch:

"Các công ty công nghệ phải hướng đến hàng triệu khách hàng, như thế, quy mô thị trường phải trị giá hàng trăm triệu USD trở lên. Lí do là vì: lĩnh vực sử dụng công nghệ để phục vụ cộng đồng là lĩnh vực khá cạnh tranh. Chính vì thế, nếu đạt được quy mô số 1 hoặc số 2 mà không đạt được con số hàng chục triệu USD thì đó là một dự án thất bại. 

Lĩnh vực này khác với các lĩnh vực truyền thống ở chỗ, trong lĩnh vực truyền thống, mở một quán cà phê bạn chỉ cần doanh số 100 triệu hay 500 triệu/tháng, tối ưu hóa chi phí, bạn vẫn có thể tồn tại được. Nhưng tuyệt đối với lĩnh vực như CNTT, bạn phải đạt được một volume cực kì lớn để tồn tại về lâu về dài và có nhà đầu tư lớn, đầu tư nhiều tiền, qua nhiều vòng."