Tại sao người dân sẽ luôn phải chịu giá điện cao?

03-12-2018 - 07:17 AM

Sản xuất, kinh doanh điện trong năm 2017 EVN lỗ hơn 1.300 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đang chuẩn bị cho một kế hoạch điều chỉnh giá điện trong năm 2019. Những điều này đã đăt ra câu hỏi về tính độc quyền của doanh nghiệp này trên thị trường. Thế nhưng, nếu mở toang cửa thị trường, mọi chuyện có được giải quyết?

Theo số liệu của Bộ Công thương, sản lượng điện thương phẩm của EVN năm 2017 là 174,65 tỷ kWh. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh là 291.278,46 tỷ đồng, như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, EVN phải bù cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại 7 xã, huyện đảo là 184,33 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ bán điện là 289.955,78 tỷ đồng, tương ứng 1 kWh điện thương phẩm được bán với giá 1660,19 đồng. EVN lỗ 1.323,68 tỷ đồng.

Dù ghi nhận các hoạt động bên cạnh kinh doanh điện giúp EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng nhưng số tiền này là chưa hạch toán các khoản chênh lệch tỷ giá lớn mà nếu chỉ cộng 2 khoản của năm 2017 đã lên gần 5.000 tỷ đồng.

Tình trạng kinh doanh này cộng với chi phí sản xuất tăng cao, Bộ Công thương đã chuẩn bị phương án tăng giá điện trong năm 2019. Điều này khiến nhiều câu hỏi đặt ra, đơn cử nếu thị trường điện được mở cửa, giá điện thành phẩm liệu có giảm? Tình hình sản xuất của một DNNN như EVN có thêm cạnh tranh?

Theo phân tính của TS. Nguyễn Tuệ Anh, chuyên gia nghiên cứu và giảng viên ngành chính sách công tại ĐH Oxford, Anh, việc mở cửa thị trường điện không tạo kết quả về giá như mong muốn của người dân.

Bà Tuệ Anh cho biết ở rất nhiều nước, đơn cử như Anh, không có cạnh tranh trong thị trường điện lực. Năm 1989, Anh đã từng mở cửa thị trường, bán các công ty điện cho tư nhân vì tin rằng tư nhân sẽ làm tốt hơn nhà nước.

Thời điểm đó, không chỉ nhà máy mà ngay cả đường truyền tải cũng được Nhà nước bán. Ban đầu, kết quả thu về khả quan và trở thành hình mẫu cho 90 quốc gia noi theo.

Nhưng rồi việc mở cửa này không tạo ra sự thay đổi. Bà Tuệ Anh chia sẻ rằng không một quốc gia nào có giá điện đi xuống. Giá chỉ giảm ở thời gian đầu và tăng đều sau đó. Anh đã phải chịu mức tăng 11% mỗi năm.

Bà Tuệ Anh cho biết các công ty tư nhân về điện ở đây đã liên kết để không phải cạnh tranh. Với mức trần tăng khống chế dưới 12% của Chính phủ, các doanh nghiệp chốt tăng từ 11% đến kịch trần.

Các nước châu Âu cũng ghi nhận sự không quan tâm của người dân với thị trường điện sau khi mở cửa. "Họ chỉ cảm nhận dịch vụ điện thấp hơn trước đây", bà Tuệ Anh nói.

Dù có thể đôi chút khác ở Việt Nam nhưng vị chuyên gia này khẳng định giá điện sẽ luôn luôn cao mà như người Đức đã từng chịu mức giá tăng 500% chỉ trong 1 tháng.

"Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người dân sẽ phải chịu giá điện cao cũng như không hi vọng vào một sự cạnh tranh. 90 quốc gia đã chứng minh điều này và Việt Nam sẽ khó lòng là ngoại lệ", bà Tuệ Anh cho biết.