Tàu tấn công nhanh Iran: "Siêu đẳng" về tác chiến phi đối xứng - NATO, Mỹ khiếp sợ!

14-08-2019 - 17:20 PM

Các tàu tấn công nhanh của Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) có thể tiếp cận vị trí chiến đấu độc lập hoặc theo từng nhóm nhỏ theo chiến thuật tấn công kiểu bầy đàn.

Lực lượng hải quân hai mũi nhọt

Iran là một quốc gia hiếm hoi trên thế giới có hai lực lượng hải quân. Đây có lẽ là cách thức xây dựng lực lượng rất khác biệt xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

Trong suốt một thời gian dài, Iran đã phải đối diện với các lệnh phong tỏa về kinh tế và công nghệ hà khắc của phương Tây. Trong bối cảnh này, Iran buộc phải tìm ra cách thức phát triển chiến lược quốc phòng hiệu quả nhất.

Hải quân Cộng hòa Hồi giáo Iran, được lãnh đạo quốc gia này mệnh danh là một lực lượng chiến lược và ứng dụng học thuyết quân sự thông thường, tập trung vào vai trò hiện diện tiền phương và làm nhiệm vụ ngoại giao hải quân. Các khu vực đảm trách của lực lượng này bao gồm: Biển Caspi, Vịnh Ô-man và các hoạt động ở bên ngoài những vùng biển này.

Hải quân Iran có số lượng tàu chiến tương đối thấp và không có ý định chống lại các hạm đội hiện đại như của Mỹ hoặc Anh. Đồng thời, Hải quân Iran cũng chỉ đủ khả năng để đối phó với các mối đe dọa từ những đối thủ cạnh tranh trong khu vực với khả năng hạn chế về sức mạnh hải quân thông thường.

Lực lượng hải quân thứ hai của Iran là Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) - được thành lập dựa trên học thuyết tác chiến phi đối xứng, hoàn toàn tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia ở Vịnh Ba Tư. IRGCN coi sức mạnh hải quân của các nước phương Tây là đối thủ tiềm năng chính của họ.

Các biên đội tàu tấn công nhanh của IRGCN đã đóng vai trò nòng cốt trong những sự kiện thời gian gần đây và thậm chí trong suốt những thập kỷ vừa qua.

Vụ bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh, tàu Riah treo cờ Panama và việc giam giữ rồi lại thả ngay sau đó tàu Mesdar đã cho thấy IRGCN không chỉ có khả năng thực thi quyền lực của mình ở Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz. Đội hình tàu tấn công nhanh đã cho phép Iran triển khai các chiến dịch của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Iran không phải là không thể biến các mối đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz thành hiện thực, nhưng điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tiễn từng thời điểm.

Tàu tấn công nhanh Iran: Siêu đẳng về tác chiến phi đối xứng -  NATO, Mỹ khiếp sợ! - Ảnh 1.

Tàu tấn công nhanh Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuần tra Vịnh Ba Tư. Ảnh: AP

Tàu tấn công nhanh - trụ cột của chiến thuật tác chiến phi đối xứng

Chiến lược của IRGCN tập trung vào một số mục tiêu chính: Ngăn chặn một cuộc tấn công trên biển nếu có thể; nhanh chóng leo thang nếu răn đe thất bại; và tiến hành một cuộc chiến kéo dài nếu cần thiết ở Vịnh Ba Tư và đặc biệt là ở Eo biển Hormuz.

Yếu tố mấu chốt của chiến lược này là khả năng khai thác lợi thế về mặt địa lý và sử dụng học thuyết tác chiến phi đối xứng để chống lại một lực lượng vượt trội hơn.

Các tàu tấn công nhanh của IRGCN có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của địch trong vùng biển hạn chế bằng cách kết hợp các hệ thống vũ khí nhỏ nhưng cơ động hoặc sử dụng chúng theo những cách rất sáng tạo để gây bất ngờ về chiến thuật.

IRGCN có khoảng 20.000 lính thủy đánh bộ và 1.500 tàu chiến, gồm cả các tàu tấn công nhanh. Lực lượng này duy trì một kho vũ khí lớn gồm các loại mìn hải quân, tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển và tên lửa chống hạm cũng như máy bay trực thăng và phương tiện chiến đấu mặt đất.

Lực lượng đặc nhiệm hải quân Sepah của IRGCN là một đơn vị đặc biệt chuyên thực thi các chiến dịch tấn công từ trực thăng, tấn công đổ bộ và tập kích lên tàu hải quân.

Tàu tấn công nhanh Iran: Siêu đẳng về tác chiến phi đối xứng -  NATO, Mỹ khiếp sợ! - Ảnh 2.

IRGCN nổi tiếng với chiến thuật tác chiến phi đối xứng. Ảnh: AP

Trên Vịnh Ba Tư, IRGCN đảm trách một số nhiệm vụ:

1) Thực thi các yêu sách lãnh hải và bảo vệ các lợi ích về kinh tế và an ninh của Iran;

2) Giám sát và theo dõi hoạt động của các tàu chiến, tàu thương mại nước ngoài trong khu vực đảm trách;

3) Bên cạnh việc bảo vệ các lợi ích thiết yếu của Iran, IRGCN có thể được coi là một lực lượng ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm ẩn bằng cách phô diễn sức mạnh quân sự và phát đi cảnh báo rằng các hành động gây hấn chống lại Iran sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu.

Như một minh chứng cho khả năng ngày càng gia tăng của mình, hàng năm IRGCN đều tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn, mang tính răn đe và được quảng bá rầm rộ mang tên NOBLE PROPHET.

Học thuyết quân sự của IRGCN cho thấy rõ các nguyên tắc tác chiến không thông thường, gồm việc sử dụng chiến thuật tấn công bất ngờ, tốc độ cao, rất linh hoạt và thích ứng cao cũng như các đơn vị có khả năng di chuyển và cơ động cao. Tất cả đều diễn ra trên biển.

Các tàu tấn công nhanh của IRGCN có thể tiếp cận vị trí chiến đấu một cách độc lập hoặc theo từng nhóm nhỏ theo chiến thuật tấn công kiểu bầy đàn.

Binh lính IRGCN hiểu rất rõ mức độ đe dọa đối với cá nhân họ sẽ là như thế nào trong trường hợp sử dụng chiến thuật này. Tuy nhiên, họ luôn có tinh thần chiến đấu vững vàng và sẵn sàng quyết tâm hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì để bảo vệ đất nước.

Chính động lực của các binh sĩ IRGCN khiến lực lượng tàu chiến trang bị tên lửa, ngư lôi và vũ khí phòng không tấn công theo kiểu bầy đần trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với hải quân của các quốc gia phương Tây.

Tàu tấn công nhanh Iran: Siêu đẳng về tác chiến phi đối xứng -  NATO, Mỹ khiếp sợ! - Ảnh 3.

Lực lượng tàu tấn công nhanh của Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ảnh: DW

Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hiện đang sở hữu một số loại tàu chiến:

Tàu tấn công nhanh (FAC): IRGCN có 10 tàu tên lửa Houdong do Trung Quốc chế tạo, mua từ giữa những năm 1990. Đây là những tàu chiến chủ lực của IRGCN, chúng từng được trang bị các tên lửa C802 nhưng đã được nâng cấp bằng tên lửa Ghader.

Ngay sau khi mua được Houdong, IRGCN đã chuyển trọng tâm sang các tàu chiến nhỏ hơn. Trong khoảng thời gian 10 năm từ 1996 - 2006, IRGCN đã mua 46 chiếc FAC từ Trung Quốc và Triều Tiên, chúng được trang bị ngư lôi, tên lửa hành trình chống hạm tầm ngắn hoặc cả hai và có thể đạt tốc độ 40-50 hải lý/giờ.

Tàu tấn công nhanh đổ bộ bờ: Đây là những tàu vũ trang hạng nhẹ mà IRGCN đã sử dụng thành công từ những năm 1980 và là một trong những mối đe dọa lớn nhất.

Ngoài ra, IRGCN còn sở hữu các tàu bán chìm, có thể lặn một phần dưới mặt nước để tránh bị phát hiện và được sử dụng để tấn công phá hoại, chuyên chở các lực lượng đặc biệt và hoạt động gián điệp.

Mối đe dọa thực sự đối với Quân đội Mỹ và đồng minh

Hoạt động tuần tra của IRGCN ở Eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư thường xuyên có cả nhiệm vụ theo dõi và giám sát các tàu Hải quân Mỹ và đồng minh. Mỹ gọi hoạt động di chuyển của các tàu cao tốc IRGCN "là không chuyên nghiệp và không an toàn".

Tháng 3/2018, IRGCN cho công bố một video ghi lại cảnh các tàu cao tốc của họ tiếp cận tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Cuối năm 2017, Iran cáo buộc Hải quân Mỹ tiếp cận các tàu của IRGCN và cố gắng thực hiện một hành động khiêu khích.

Năm 2016, IRGCN đã bắt giữ 10 lính thủy đánh bộ Mỹ sau khi các tàu tuần tra của họ tiến vào lãnh hải Iran trên vịnh Ba Tư. Mỹ luôn tuyên bố rằng nước này phản đối bất kỳ hành động gây hấn nào của Iran và cho rằng họ chỉ đơn giản bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Vịnh Ba Tư và mong muốn đảm bảo việc đi lại tự do qua Eo biển Hormuz.

Về phần mình, lãnh đạo Iran coi hành động của Mỹ là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích quốc gia của Iran.

Iran xây dựng một học thuyết quân sự toàn diện, trong đó đề cao vai trò của chiến tranh phi đối xứng. Có hai lý do chính khiến Iran sử dụng hai lực lượng hải quân độc lập.

Thứ nhất, Iran phải đối diện với các mối đe dọa khác nhau từ lực lượng hải quân của các cường quốc trong khu vực (như Ả Rập Saudi hoặc UAE) và từ các quốc gia phương Tây (như Mỹ, Anh hoặc Pháp).

Thứ hai, Iran phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nền từ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm ngăn chặn Iran tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tạo ra rào cản cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Iran.

Các yếu tố này buộc Iran phải sử dụng tất cả trí tuệ của mình để phát triển một mô hình có khả năng đối phó với các mối đe dọa khác nhau, đồng thời đảm bảo tính bền vững dưới áp lực trừng phạt liên tục đối với nền kinh tế và nền công nghiệp quốc phòng.

Kể từ sau cuộc chiến tranh Iran - Iraq, Iran đã mở rộng đáng kể vai trò và khả năng của IRGCN, trong đó có cả nhiệm vụ đẩy mạnh quy mô và cường độ bất kỳ cuộc xung đột nào và khuếch trương sức mạnh Iran trên các khu vực tác chiến mà họ đảm trách.

Các khả năng của hải quân Iran không cho phép họ thách thức Hải quân Mỹ trong cuộc đối đầu trực diện bên ngoài Vịnh Ba Tư.

Tuy nhiên, IRGCN hiện nay lại là một lực lượng được trang bị rất tốt và được đào tạo bài bản, sẵn sàng giáng một đòn đau đớn vào kẻ thù của Iran trong trường hợp đối đầu quân sự diễn ra gần các bờ biển Iran.

Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran diễn tập tác chiến phi đối xứng