Thế giới tuần qua (25/11 – 1/12): Nguy cơ và cảnh báo

02-12-2019 - 09:10 AM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo dự khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc. (Ảnh: chinhphu.vn)

Bên cạnh những nỗ lực trong việc tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và ổn định, thế giới tuần qua (25/11 – 1/12) vẫn tiếp tục chứng kiến những động thái làm gia tăng căng thẳng chính trị, quân sự, kèm theo nhiều nguy cơ đáng báo động về môi trường và khí hậu toàn cầu.

ASEAN và Hàn Quốc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược

Tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc diễn ra ngày 25 – 26/11, ASEAN và Hàn Quốc đã thông qua "Tuyên bố tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và quan hệ đối tác".

ASEAN và Hàn Quốc nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế vì sự thịnh vượng chung, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, kết nối, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), cũng như quan hệ đối tác khởi nghiệp và đổi mới sáng taọ, trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thêm vào đó, ASEAN và Hàn Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững.

Tuyên bố chung cho biết hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện cho đối thoại và hợp tác, bao gồm thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

ASEAN và Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh để giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đồng thời gia tăng hợp tác an ninh mạng nhằm nỗ lực hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số trong vực.

Văn kiện này cũng ghi nhận rằng, ASEAN sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Mỹ tái triển khai chiến dịch quân sự chống IS tại Syria

Ngày 26/11, các lực lượng chung của Mỹ và người Kurd đã nối lại hoạt động quân sự quan trọng nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền Bắc Syria.

Thế giới tuần qua (25/11 – 1/12): Nguy cơ và cảnh báo - Ảnh 1.

Đoàn xe quân sự của Mỹ di chuyển tại thành phố Manbij, miền Bắc Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu với báo giới, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Kenneth McKenzie thông báo trong thời gian tới, tốc độ triển khai các chiến dịch quân sự quy mô lớn này nhằm vào tàn quân IS sẽ gia tăng trở lại. Tuy nhiên, ông McKenzie không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho các hoạt động của chiến dịch quân sự này, nhưng ca ngợi mối quan hệ hiện tại của quân đội Mỹ với lực lượng người Kurd là "khá tốt đẹp" bất chấp mọi biến động.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng đã ra lệnh cho quân đội Mỹ đóng quân tại Iraq di chuyển vào miền Đông Syria để bảo vệ các mỏ dầu của khu vực này trước nguy cơ các cuộc tấn công từ phía IS.

Việc Mỹ tái khởi động lại chiến dịch quân sự quy mô lớn này diễn ra sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ ngày 26/10 đã tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi - thủ lĩnh khét tiếng của IS. Một chất xúc tác khác khiến Mỹ quyết định tái khởi động chiến dịch trên là việc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) vào tuần trước đã ra báo cáo nói rằng lực lượng IS sẽ cố gắng tái tập hợp ở Syria trong bối cảnh áp lực từ lực lượng chung của Mỹ và người Kurd đang suy giảm.

Liên hợp quốc: Cần hành động sớm và kiên quyết để giảm thiểu khí thải

Ngày 26/11, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố báo cáo cho biết các quốc gia G20 chiếm 78% tổng lượng phát thải nhưng 15 nước thành viên của G20 không cam kết về thời hạn đưa phát thải về bằng không.

Thế giới tuần qua (25/11 – 1/12): Nguy cơ và cảnh báo - Ảnh 2.

Giảm thiểu lượng phát thải cần hành động sớm và kiên quyết. (Ảnh minh họa:tiasang.com.vn)

UNEP cũng cảnh báo nếu phát thải khí nhà kính toàn cầu không giảm 7,6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030 thì thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội để đạt được mục tiêu 1,5°C theo Thỏa thuận Paris. Kể cả khi tất cả các cam kết không điều kiện hiện tại theo Thỏa thuận Paris được thực hiện thì nhiệt độ được dự kiến vẫn sẽ tăng thêm 3,2°C, gây ra những tác động khí hậu trên phạm vi rộng hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn. Mục tiêu chung cần phải tăng gấp hơn 5 lần so với hiện tại nhằm thực hiện những cắt giảm cần thiết trong thập kỷ tới vì mục tiêu 1,5°C.

Theo Inger Andersen, Giám đốc điều hành của UNEP, "điều này chỉ ra rằng các quốc gia không thể đơn giản đợi đến cuối năm 2020 khi đến hạn thực hiện các cam kết khí hậu mới thì mới đẩy mạnh hành động. Họ - và mọi thành phố, khu vực, doanh nghiệp và cá nhân - cần phải hành động ngay". "Chúng ta cần nhanh chóng đạt được mức giảm phát thải càng nhiều càng tốt vào năm 2020, sau đó là những cam kết mạnh mẽ hơn trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) để khởi động những chuyển đổi cơ bản về kinh tế và xã hội. Chúng ta cần phải đẩy nhanh hành động để bù lại những năm mà chúng ta còn chần chừ" – bà Inger Andersen bổ sung. "Nếu chúng ta không thực hiện điều này, mục tiêu 1,5°C sẽ ngoài tầm với trước năm 2030".

Điều quan trọng, báo cáo cho biết tất cả các quốc gia phải tăng mục tiêu của họ trong NDC, như những cam kết Paris được biết đến, vào năm 2020 và đưa ra những chính sách và chiến lược để thực hiện chúng. Các giải pháp có sẵn có thể giúp cho việc thực hiện các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris là khả thi, nhưng chúng được triển khai chưa đủ nhanh hoặc ở một quy mô chưa đủ lớn. Để thực hiện các mức cắt giảm này, các mục tiêu đưa ra trong NDC phải tăng ít nhất 5 lần cho mục tiêu 1,5°C và 3 lần cho 2°C.

Diện tích rừng Amazon ở Brazil bị chặt phá lớn nhất trong 11 năm qua

Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) ngày 28/11 công bố số liệu thống kê mới nhất cho thấy, hơn 10.000 km2 diện tích rừng nhiệt đới Amazon đã bị chặt phá trong vòng 12 tháng (tính đến tháng 7/2019), mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Thế giới tuần qua (25/11 – 1/12): Nguy cơ và cảnh báo - Ảnh 3.

Khoảng rừng Amazon bị thiêu rụi sau trận hỏa hoạn tại bang Amazonas, Brazil, ngày 24/8/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Số liệu trước đó cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, diện tích rừng ở Amazon bị chặt phá đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 6.404 km2.

Các dữ liệu trên được đưa ra sau khi các đám cháy rừng hồi đầu năm nay đã tàn phá nhiều diện tích rừng nhiệt đới này, gây ra sự phẫn nộ toàn cầu và bất đồng ngoại giao giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cùng các nhà lãnh đạo châu Âu.

Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Tuy nhiên, khu rừng này đang bị tàn phá do các hoạt động nông nghiệp, khai thác gỗ và cháy rừng thiếu kiểm soát.

Triều Tiên xác nhận thử nghiệm thành công bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn

Ngày 29/11, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công hệ thống bắn liên tiếp của bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un một ngày trước đó. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên đã tiến hành vụ thử nhằm đánh giá lần cuối cùng về sức mạnh của bệ phóng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tỏ ra "vô cùng hài lòng" trước kết quả vụ thử. Báo trên nêu rõ: "Vụ thử nghiệm đã chứng minh được sự ưu việt về kỹ thuật, quân sự cũng như độ tin cậy của hệ thống vũ khí này".

Thế giới tuần qua (25/11 – 1/12): Nguy cơ và cảnh báo - Ảnh 4.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát việc thử nghiệm hệ thống bắn liên tiếp của bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, ngày 28/11/2019. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Ngày 28/11, Quân đội Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay từ hệ thống được cho là bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn từ Yeonpo thuộc tỉnh Nam Hamgyong miền Đông Triều Tiên ra biển Nhật Bản. Đây là vụ thử vũ khí lớn lần thứ 13 của Triều Tiên trong năm nay, và là lần thứ 4 thử bệ phóng tên lửa siêu lớn, được cho là có đường kính 600mm.

Hội đồng Tham mưu Liên quân Hàn Quốc (JCS) bày tỏ "sự tiếc nuối sâu sắc" trước các vụ phóng thiết bị của Triều Tiên, xem đây là diễn biến không giúp ích gì cho các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng lên tiếng kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành vi làm gia tăng căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh tính cần thiết của việc cải thiện các mối quan hệ liên Triều thông qua đối thoại và hợp tác.

Ngay trong ngày 28/11, các quan chức Mỹ và Nhật Bản đã điện đàm về vụ phóng thiết bị do Triều Tiên thực hiện cùng ngày, đồng thời khẳng định mối quan hệ hợp tác khăng khít ba bên với Hàn Quốc. Vụ phóng vật thể của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang bị đình trệ sau sự đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 2/2019./.