Thị trường ngày 12/10: Phố Wall trượt dài đẩy giá dầu tiếp tục giảm hơn 3%, vàng tăng hơn 2%

12-10-2018 - 07:44 AM

Thị trường thế giới ngày 11/10 tiếp tục bị tác động bởi thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm. Giá dầu tiếp tục giảm 3%. Vàng và các kim loại quý đồng loạt tăng hơn 2%. Giá thép tăng nhẹ sau khi giảm hơn 2% vào phiên sáng. Cà phê tăng cao trong khi gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm 3 tuần liên tiếp.

Dầu tiếp tục giảm hơn 3% do phố Wall trượt dốc và dự trữ cao

Giá dầu tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tuần khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc và lo ngại tồn kho lớn hơn dự kiến.

Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau chốt phiên hôm qua 11/10 giảm 2,83 USD xuống 80,26 USD/thùng, giảm 3,41% sau khi chạm mức thấp 79,80 USD trước đó- mức thấp nhất kể từ 24/9/2018. Giá sản phẩm này đã giảm sau khi chạm ngưỡng cao nhất trong 4 năm là 86,74 USD vào ngày 3/10/2018.

Giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ giảm 2,2 USD, tương đương 3,01%, xuống còn 70,97 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ 21/9/2018. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 6 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn gấp đôi dự báo tăng 2,6 triệu thùng của các nhà phân tích, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết.

Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh trong ngày 10/10, chỉ số S & P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones đã có ngày tồi tệ nhất trong 8 tháng, do dữ liệu kinh tế vững chắc củng cố kỳ vọng tăng lãi suất trong năm tới.

Vàng và các kim loại quý đồng loạt tăng hơn 2%

Thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục trượt dài đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng tiếp tục tăng thêm hơn 2%, lên mức cao nhất trong hơn hai tháng.

Vàng giao ngay cuối phiên hôm qua tăng 2,6% lên 1.225,26 USD, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 31/7 là 1.226,27 USD, đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ tháng 6/2016. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 34,20 USD, tương đương 2,87%, lên mức 1.227,60 USD.

Phố Wall giảm phiên thứ sáu liên tiếp sau khi chứng khoán Châu Âu giảm xuống mức thấp nhất 21 tháng, cho thấy rủi ro ngày càng gia tăng trên thị trường toàn cầu.

Đồng thời, giá bạc cũng tăng hơn 2% lên 14,56 USD. Giá Paladi tăng 1,4% lên 1.082,22 USD, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 26/1/2018 là 1.096,80 USD. Giá bạch kim tăng 2,5% lên 839,74 đô la, sau khi chạm mức cao nhất kể từ 26/7 là 843,90 USD.

Giá thép tăng nhẹ sau khi giảm 2% vào phiên sáng

Giá thép xây dựng của Trung Quốc cuối phiên qua giao dịch tăng nhẹ sau khi giảm mạnh vào phiên sáng do kế hoạch cắt giảm sản lượng của Trung Quốc trước mùa đông.

Giá thép xây dựng kỳ hạn giao sau tại Thượng Hải giảm 2,1% xuống còn 3.958 CNY(571,12 USD)/tấn vào đầu phiên, sau đó đóng cửa tăng 0,3% lên 4.056 NDT/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 3% xuống còn 3.831 NDT vào phiên sáng sau đó chốt phiên tăng 1% lên 3.909 CNY/tấn.

Giá quặng sắt tại Đại Liên chốt phiên giảm 0,5% xuống còn 511,5 CNY/tấn, sau khi tăng 62,9 USD lên mức 70,9 USD phiên liền trước.

Gạo Ấn Độ giảm tuần thứ 3 liên tiếp, gạo Thái và Việt ổn định

Giá xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm trong tuần thứ ba liên tiếp do nhu cầu giảm và triển vọng nguồn cung vụ mới cao, đồng rupee mất giá trong khi thị trường Thái Lan và Việt Nam được hỗ trợ bởi dự kiến sẽ có nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Philippines.

Giá xuất khẩu gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm 5% còn 365- 370 USD/tấn so với mức 367-373 USD/tấn vào tuần trước, các thương nhân và đại lý cho biết.

Nguồn cung từ vụ mùa hè sẽ đi vào thị trường xuất khẩu từ tháng tới.

Sản lượng gạo mùa hè của nước này ước tính tăng 1,8% lên 99,24 triệu tấn.

Tại Bangladesh, nhập khẩu đã giảm xuống 80.000 tấn trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 do việc áp dụng thuế nhập khẩu gạo trong tháng 6, số liệu của Bộ thực phẩm cho biết. Quốc gia Nam Á này, trở thành nước nhập khẩu gạo chính trong năm 2017 sau khi lũ lụt phá hủy các vụ mùa, đã đánh thuế nhập khẩu gạo 28% để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất trong nước.

Tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 398- 400 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 390 - 403 USD vào tuần trước. Hoạt động giao dịch trầm lắng, mặc dù có các hợp đồng mới với Indonesia, Nhật Bản và Philippines.

Nhiều nhà xuất khẩu Thái Lan mới đây đã bán 100.000 tấn gạo sang Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc có thể mua thêm gạo Thái Lan trong những tháng cuối năm, một thương nhân ở Bangkok cho biết.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không thay đổi so với tuần trước đạt mức 400- 405 USD/tấn. Hoạt động giao dịch chậm chạp do nguồn cung trong nước thấp. Philippines đã thông báo sẽ mua thêm gạo trong những tháng cuối năm, có thể hỗ trợ giá.

Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay có thể tăng 26,9% lên 3,2 tỷ USD - 3,3 tỷ USD.

Theo các số liệu Hải Quan, Việt Nam đã xuất khẩu 4,89 triệu tấn gạo trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái; đưa kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 21,3% lên 2,46 tỷ USD.

Cà phê tăng giá

Hoạt động bán cà phê tại Việt Nam và Inđônêxia tăng trong tuần này nhờ giá thế giới tăng, trong khi vụ thu hoạch chính được chờ đợi vào tháng tới tại Việt Nam. Các nhà xuất khẩu đã cung cấp cà phê đen loại 2 vỡ 5% của Việt Nam với mức chênh lệch giá là 50 - 60 USD/tấn so với hợp đồng tháng 1/2019 của Luân Đôn, cao hơn so với mức giảm giá 30- 40 USD vào tuần trước.

Nông dân Tây Nguyên đã chào bán cà phê với giá 36.500 đồng (1,56 USD)/ kg, tăng mạnh so với 34.000 - 34.400 đồng trong tuần trước. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2019 tại Luân Đôn đã tăng 112 USD trong một tuần lên 1.698 USD vào ngày 10/10/2018. Thời tiết ở Tây Nguyên thuận lợi trước vụ thu hoạch lớn của Việt Nam đến vào đầu tháng tới, sau nhiều tuần mưa kéo dài gây lo ngại về chất lượng cà phê và vụ thu hoạch.

Tại Indonesia, mức chênh lệch giá cà phê robusta loại 4, 80 hạt vỡ giảm xuống còn 30 USD/tấn so với hợp đồng tháng 1/2019, giảm mạnh so với mức 70 USD trong tuần trước do giá thế giới tăng mạnh.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đầu tuần này đã thay đổi dự báo của họ từ thâm hụt cà phê toàn cầu 3,56 triệu bao trong vụ 2017/2018 sang thặng dư 2,58 triệu bao. ICO cũng nâng dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong năm 2017/18 lên 164,81 triệu bao 60 kg so với mức dự báo trước đó là 158,56 triệu bao, và nâng sản lượng cà phê robusta toàn cầu lên 62,99 triệu bao từ 61,40 triệu bao.

Việt Nam xuất khẩu 1.795 triệu tấn (29.9 triệu bao 60 kg) cà phê trong niên vụ 2017/18, tăng 12,3% so với niên vụ trước, số liệu hải quan cho thấy đầu tuần này.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng ngày 12/10

Thị trường ngày 12/10: Phố  Wall trượt dài đẩy giá dầu tiếp tục giảm hơn 3%, vàng tăng hơn 2% - Ảnh 1.