Thử nghiệm chính sách tiền tệ táo bạo và liều lĩnh của Nhật Bản: Tăng lợi suất trái phiếu dài hạn trong khi kiềm chế lãi suất ngắn hạn

10-10-2019 - 19:16 PM

Sau nhiều năm cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách hạ cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) trong những tuần gần đây đã chuyển sang nâng lợi suất trái phiếu chính phủ, đặc biệt là các loại kỳ hạn siêu dài.

Nhật Bản, quốc gia thường bị ràng buộc bởi truyền thống, rất khác biệt khi nói đến chính sách tiền tệ. Trong nền kinh tế chủ chốt của kỷ nguyên hậu chiến tranh, vật lộn với giảm phát và giảm tốc độ tăng trưởng dài hạn, các nhà hoạch định chính sách có rất ít sự lựa chọn ngoài việc sáng tạo. BOJ là ngân hàng đầu tiên đưa lãi suất về 0 và tiên phong trong việc nới lỏng định lượng vào năm 2001. Bây giờ, ngân hàng trung ương lại bắt đầu một thử nghiệm mới táo bạo: đẩy lãi suất cố định cao hơn.

Sau nhiều năm cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách hạ cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn, Ngân hàng Nhật Bản trong những tuần gần đây đã chuyển sang nâng lợi suất trái phiếu chính phủ, đặc biệt là các loại kỳ hạn siêu dài. Trong thời gian không biến động, một quyết định như vậy có thể hiểu là thắt chặt tiền tệ. Nhưng Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã liên tục nhấn mạnh rằng ngân hàng đã thực hiện rất nhiều biện pháp nới lỏng. Tháng trước, ông nói rằng ngân hàng sẽ không ngần ngại thêm kích thích nếu cần và một số nhà dự báo kỳ vọng rằng ông và ban lãnh đạo sẽ cắt giảm lãi suất chính sách ngắn hạn của ngân hàng xuống mức -0,1% vào ngày 31/10.

Ông Kuroda gần đây đã cảnh báo rằng lợi suất đặc biệt thấp của trái phiếu siêu dài hạn - từ 20 năm trở lên - có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng. Lợi suất thấp gây tổn hại về mặt tâm lý, theo một khía cạnh nào đó, vì chúng củng cố dự báo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong thời gian dài, khuyến khích các hộ gia đình Nhật Bản tiết kiệm hơn là chi tiêu. Lợi nhuận thấp cho thấy mối đe dọa thực sự đối với những người hưởng lương hưu tại Nhật Bản, con số này lên tới 40 triệu người theo số liệu mới nhất và đang tiếp tục tăng cao.

Sau những nhận định này, các quan chức của Ngân hàng Nhật Bản đã cắt giảm khoản mua trái phiếu của họ, theo số liệu tại Bloomberg Economics, với tốc độ hàng năm là 5 nghìn tỷ yên (47 tỷ USD), so với mục tiêu 80 nghìn tỷ yên trước đó. Trong kế hoạch hàng tháng mới nhất của mình, BOJ cũng báo hiệu rằng họ thậm chí có thể ngừng mua trái phiếu với kỳ hạn vượt quá 25 năm.

"Họ muốn có chiếc bánh của mình và ăn nó", theo ông Paul Sheard, một nhà kinh tế tại Nhật Bản. Nói cách khác, BOJ muốn, một mặt, thúc đẩy nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất ngắn và trung hạn, mặt khác, muốn lợi suất ở kỳ hạn siêu dài phản ánh thành công mà họ mường tượng về tạo ra tăng trưởng và đối phó với lạm phát.

Để thuyết phục thị trường và công chúng rằng mình cam kết nới lỏng đường dài, BOJ hứa tiếp tục mở rộng bảng cân đối kế toán thông qua mua trái phiếu. Vì vậy, nếu BOJ ngừng mua một số trái phiếu để tăng lợi suất, khi giá và lợi suất tỷ nghịch với nhau, thì họ phải mua thêm trái phiếu khác. Vấn đề là, ngân hàng trung ương sau đó cần tiếp tục thay đổi hoạt động để giải quyết các vấn đề với lợi suất quá thấp ở các kỳ hạn khác nhau, ông Sheard nói.

Theo ông Masaaki Kanno, người đã làm việc tại BOJ từ những năm 1970 đến những năm 1990 và hiện đang là một nhà kinh tế tại Sony Financial Holdings, giảm lãi suất ngắn hạn trong khi tăng lãi suất dài hạn sẽ rất khó khăn. BOJ cần phải quan tâm tới quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ bị tổn thương nếu đó là các khoản lãi suất trái phiếu dài hạn chẳng đáng bao nhiêu. Dân số Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng và đó là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế.

Thử nghiệm chính sách tiền tệ táo bạo và liều lĩnh của Nhật Bản: Tăng lợi suất trái phiếu dài hạn trong khi kiềm chế lãi suất ngắn hạn - Ảnh 1.

Các động thái mới nhất của BOJ được đưa ra sau khi lợi suất trái phiếu 20 năm giảm xuống chỉ còn 0,02% vào đầu tháng 9. Kể từ khi ông Kuroda bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo và các quan chức bắt đầu mua lại trái phiếu của họ, lợi suất đã tăng lên 0,20% vào ngày 8/10. Trong khi đó, khó có thể đánh giá được tác động cho đến nay, ông Kanno nói rằng ngân hàng trung ương có thể có hành động mạnh mẽ hơn.

Bước đi tiềm năng tiếp theo là đặt mục tiêu cho lợi suất 20 năm, sau đó ngừng mua trái phiếu khi cần thiết để giúp đạt được mục tiêu. Một hướng quyết liệt hơn sẽ là BOJ bán trái phiếu kỳ hạn 20 năm, mặc dù ngân hàng trung ương sẽ rất khó để giải thích lý do tại sao lại thu hẹp danh mục tài sản của mình trong khi đang thực hiện biện pháp kích thích.

Điều làm cho các bước đi này khó khăn hơn là BOJ đã mua hơn 43% toàn bộ thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản. (Ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang có khoảng 13%.) Trong quá trình đó, BOJ đã mở rộng bảng cân đối kế toán của mình vượt quá 100% tổng sản phẩm quốc nội, nhiều hơn mức của các đối tác Mỹ và châu Âu với 18% và 39% tương ứng.

Tóm lại, cách duy nhất đảm bảo để tăng lợi suất siêu dài hạn là tăng lãi suất chính sách ngắn hạn, nhưng điều đó cũng có nguy cơ thúc đẩy đồng yên, theo ông Tadashi Kikugawa, giao dịch viên trái phiếu kỳ cựu hiện đang làm việc tại Nomura Holdings. Tiền tệ mạnh hơn là gấp đôi bất lợi đối với Nhật Bản, làm giảm nhu cầu xuất khẩu - chiếm 17% tổng sản phẩm quốc nội, đồng thời làm giảm giá cổ phiếu bluechip - thu được phần lớn doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Đức đang "chung nhóm" cùng Nhật Bản với lợi suất 10 năm dưới 1% trong năm 2014 và hiện tại đều dưới 0. Thậm chí Mỹ cũng chứng kiến thử thách ​​lãi suất trái phiếu thấp lịch sử, có khả năng giảm thêm, với những bất lợi trong dữ liệu kinh tế mới nhất và khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Những quốc gia khác cũng đang dõi theo hành động của Nhật Bản: Thống đốc ngân hàng trung ương Australia, Philip Lowe, đã ghi nhận khó khăn của những người gửi tiết kiệm từ việc cắt giảm lãi suất mà ông ban hành. Lợi tức 10 năm của Australia trong năm nay đã gia nhập nhóm dưới 1%.

Hiện tại, vấn đề Nhật Bản là riêng biệt, nhưng nếu lãi suất thấp kéo dài thì đây sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ và các quốc gia khác, theo ông Kanno. Điểm mấu chốt là nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với câu hỏi: cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu không có khoản lãi từ các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ, ông nói.

Bây giờ là thời điểm thích hợp để BOJ nỗ lực thực hiện thành công biện pháp kích thích mới này, theo ông Kanno.