Thủ tướng yêu cầu cắt giảm mạnh mẽ các chi phí logistic

16-04-2018 - 20:32 PM

Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về logistic

Thủ tướng nêu rõ cần phát triển dịch vụ logistic thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistic với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu.

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về logistic sáng 16/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với mức tương đương 20,9% GDP, chi phí logistic của Việt Nam đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là hai Bộ Giao thông vận tải và Công thương, phải nhanh chóng có biện pháp giảm chi phí này, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tại đầu cầu Hà Nội và tại 62 điểm cầu trực tuyến cả nước.

Theo tài liệu của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, tỷ lệ logistic của Việt Nam bằng 20,9% GDP, cao hơn so với các nước có trình độ phát triển tương đương và cao hơn nhiều các nước phát triển. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 19%, Thái Lan là 18%, Nhật Bản là 11%, EU chỉ 10%. Trong chi phí logistic ở Việt Nam thì chi phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistic với 59%.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu nêu lên những vấn đề sát thực và cần thiết phải thực hiện để tháo gỡ rào cản về chi phí logistic còn cao ở nước ta. Thủ tướng đồng tình với Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về việc phải giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong thực thi công cụ, đồng thời nhấn mạnh một yếu tố nữa cần chấn chỉnh là "vô thời hạn".

Dù Ngân hàng thế giới đánh giá chỉ số năng lực quốc gia về logistic của Việt Nam đứng thứ 64/160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và dù đã có sự tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực này, nhưng Thủ tướng vẫn chỉ ra nhiều bất cập. Lấy ví dụ thực tế chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, và nếu cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91% chi phí logistic, Thủ tướng nhấn mạnh việc cần có biện pháp mạnh mẽ để giảm chi phí này, đồng thời nêu quan điểm phát triển dịch vụ logistic ở nước ta.

Khẳng định, logistic là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, Thủ tướng nêu rõ cần phát triển dịch vụ logistic thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistic với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu.

"Tôi dự hội nghị về trái cây ở Đồng Tháp, người ta nói rất nhiều về dịch vụ này, tốn kém; Phát triển dịch vụ logistics để tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài phù hợp; Đặc biệt quan điểm của Việt Nam là phát huy tối đa lợi thế địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực", Thủ tướng nói.

Cho biết Nhà nước đảm nhiệm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở nước ta. Về nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: "Cái lớn nhất đó là một quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để chuyển biến tình hình dịch vụ logistic cho Việt Nam, cả Trung ương và các bộ, ngành liên quan trực tiếp, các địa phương. Đặc biệt là phải xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ logistic. Chính vì vậy, Cổng Thông tin thương mại của Việt Nam phải duy trì hoạt động tốt hơn nữa để tăng tính cạnh tranh, phát triển dịch vụ. Đi liền với đó là áp dụng quản lý rủi ro chuyên ngành là rất cần thiết trong kiểm soát, tinh thần là hậu kiểm chứ không phải tiền kiểm, hoặc kiểm rủi ro chứ không kiểm đồng loạt".

Thủ tướng cũng nêu một số chỉ tiêu quan trọng cần phấn đấu thực hiện là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistic vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistic đạt 50-60%, chi phí logistic giảm tương đương 16-20%; xếp hạng về chỉ số năng lực quốc gia về logistic trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Để đạt được những mục tiêu đó, theo Thủ tướng, cần có một chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế về dịch vụ logistic; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistic; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistic; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực logistic.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ Giao thông vận tải, Công thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu và khẩn trương giải quyết kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistic; cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải 10 nhiệm vụ, Bộ Công thương 7 nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 nhiệm vụ…

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đóng vai trò đơn vị chủ trì trong phát triển dịch vụ logistic, nhanh chóng khắc phục tồn tại, đặc biệt xử lý vấn đề công nghệ, vấn đề quan hệ quốc tế, phát triển cảng nước sâu, các cảng cạn, các loại hình giao thông kết nối; thúc đẩy phát triển giao thông thủy nội địa; phát triển hệ thống đường sắt bằng nhiều nguồn lực, trong đó có hợp tác công-tư (PPP).

Để có nguồn lực phát triển hạ tầng logistic, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo thẩm quyền, nghiên cứu hỗ trợ các gói tín dụng để đóng mới, cải tạo, sửa chữa tàu, phương tiện thủy nội địa nhằm phát triển vận tải ven biển; gói tín dụng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ hiện đại tại các cảng thủy nội địa, nhà ga đầu mối; gói tín dụng khuyến khích phát triển đường sắt chuyên dụng, kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cảng biển./.