Thực hư chuyện Cuba can thiệp quân sự vào Venezuela

15-04-2019 - 19:34 PM

Cơ quan tình báo và quân đội Cuba từ lâu đã có sự hiện diện tích cực ở Venezuela.

Cáo buộc của Mỹ đối với Cuba hoàn toàn không thể chứng thực, Cuba không có hoạt động quân sự nào ngoài việc trao đổi các tùy viên với Venezuela.

Mỹ dùng vấn đề của Venezuela để tấn công Cuba

Hôm 14/4, theo Reuters, trong bài phát biểu bế mạc Quốc hội, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez cho biết Hoa Kỳ "đang sử dụng vũ khí tài chính" khiến việc nhập khẩu hàng hóa thiết yếu của Cuba trở nên khó khăn.

Nền kinh tế Cuba bị đình trệ trong những năm gần đây tương tự đồng minh chiến lược Venezuela, dẫn đến việc các cơ quan nhà nước phải thực thi các chính sách "thắt lưng buộc bụng".

Chính quyền của Tổng thống Trump gia tăng các biện pháp trừng phạt cũng khiến Cuba thiếu hụt nguồn ngoại tệ. Rõ ràng tất cả những nỗ lực bình thường hóa quan hệ thời Tổng thống Obama đã "đổ sông đổ biển".

Thực hư chuyện Cuba can thiệp quân sự vào Venezuela - Ảnh 1.

Cố Chủ tịch Fidel Castro chụp ảnh cùng Chủ tịch đương nhiệm Miguel Diaz-Canel Bermudez trong một sự kiện năm 1997(Ảnh: Manuel de Feria García / Archivo de Vanguardia)

Trong cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Venezuela, Hoa Kỳ đã liên tục cáo buộc Cuba kiểm soát giới tinh hoa chính trị, quân đội và các lực lượng tình báo của Venezuela.

Trong mắt Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chỉ là một "con rối của Cuba".

Trong một buổi tiếp xúc những người ủng hộ ở Florida vào cuối tháng 2/2019, ông đã cáo buộc Cuba đóng quân ở Venezuela, và công khai đe dọa bằng can thiệp quân sự, quân đội Hoa Kỳ sẽ đưa Tổng thống lâm thời tự xưng, Juan Guaido, lên nắm quyền ở Venezuela.

Chính phủ Cuba đã phản ứng nhanh chóng. Ngoại trưởng Bruno Rodriguez nói rằng đây là một cáo buộc có tính chất công kích, Cuba yêu cầu bằng chứng của Hoa Kỳ chứng minh rằng quân đội Cuba đã đóng quân ở Venezuela hay Cuba đang kiểm soát quân đội Venezuela.

Những cáo buộc mà không có bằng chứng?

Ngay cả phía Hoa Kỳ cũng không thể sử dụng lời khai bởi người Venezuela hay người Cuba lưu vong để làm bằng chứng. Ví dụ như người được cho là đầu tiên công khai tố cáo là Tướng Venezuela Antonio Rivero, hiện đang lưu vong ở Mỹ.

Vào tháng 4/2010, trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Vanguardia, Tướng Rivevo cho rằng:

"Sự thâm nhập của các sĩ quan Cuba vào trung tâm của lực lượng vũ trang Venezuela là một sự can thiệp nguy hiểm vào các khu vực chiến lược, cho phép họ biết được bí mật quân sự của Venezuela.

Các sĩ quan Cuba truyền đạt và giám sát các yếu tố chính trị của quân đội Venezuela ở cấp chỉ huy và binh lính.

Người Cuba đã thâm nhập vào các Bộ chỉ huy chiến lược, không ngoại trừ các lĩnh vực phụ trợ như kỹ thuật quân sự, vũ khí thông minh, sản xuất vũ khí và thông tin liên lạc.".

Chính vì sự can thiệp này của Cuba đã khiến Rivero từ chức vào ngày 17/3/2010, và tố cáo việc chính trị hóa và mất dân chủ tồn tại trong Lực lượng vũ trang quốc gia Venezuela (Lúc này còn có tên viết tắt là FAN).

Một tuyên bố tương tự Rivero của Foresight Cuba, còn đi xa hơn, họ liệt kê sự hiện diện quân sự của Cuba ở Venezuela như sau:

"Hai Tướng chỉ huy Lữ đoàn (Herminio Hernández Rodríguez và Alejandro Ronda Marrero, một người đóng quân ở Fuerte Tiuna, một ở Barquisimeto).

Dưới quyền của họ là 4 đại tá (Rodrigo Hernández Maite, Rufino Zabaleta Corvino, Jaime Freitas Sambrano, và Simon Guillermo Senior), 8 trung tá, 6 sĩ quan cấp úy và 25 hạ sĩ quan.

4.500 lính bộ binh Cuba được tổ chức trong 8 tiểu đoàn gồm trung bình 500 binh sĩ, cộng với một tiểu đoàn lực lượng đặc biệt đóng tại Fuerte Tiuna.".

Thực hư chuyện Cuba can thiệp quân sự vào Venezuela - Ảnh 3.

Một kíp lái xe tăng Cuba tại Angola năm 1987. Hàng chục nghìn binh lính Cuba đã hỗ trợ lực lượng MPLA Angola trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên phát ngôn của Foresight Cuba, kênh truyền thông chống chính phủ Cuba nhiều năm nay của người Cuba lưu vong tại Miami, Florida không thể sử dụng là bằng chứng cáo buộc Cuba.

Theo Tiến sĩ Ivo Hernandez thuộc Viện Khoa học Chính trị tại Đại học Münster, Đức nói với kênh truyền thông Đức DW:

"Bộ trưởng Ngoại giao Cuba đang yêu cầu bằng chứng không thể có được bởi vì Venezuela và Havana đã che giấu rất tốt.Nhưng các cựu sĩ quan quân đội Venezuela đã cung cấp quá nhiều bằng chứng về ảnh hưởng của Cuba".

Giáo sư Evan Ellis, tại Viện nghiên cứu chiến lược (SSI) tại Đại học Chiến tranh - Quân đội Hoa Kỳ ở bang Pennsylvania cho rằng có đủ bằng chứng tình huống để chứng minh ảnh hưởng của Cuba đối với quân đội Venezuela:

"Nếu người Mỹ (C.I.A) có thông tin và (Tổng thống Trump) đưa ra các tuyên bố như vậy thì rõ ràng đó là thông tin tối mật.

Nếu tung thông tin tối mật thì những lời buộc tội có được sự tin cậy, nhưng đồng thời có thể đặt mạng sống của những người cung cấp thông tin và các phương pháp thu thập thông tin vào vòng nguy hiểm.".

Vậy thực tế Cuba đã có ảnh hưởng như thế nào đối với quân đội Venezuela?

Giáo sư Carlos A. Romero, tại Đại học Trung ương Venezuela (UCV), trong một bài viết có tựa đề "Chính sách đối ngoại của Venezuela", xuất bản vào ngày 4/7/2010:

"Hội đồng tùy viên quân sự của Venezuela ở Cuba được thành lập năm 2007.

Công trình Romero cũng chỉ ra rằng không có bất kỳ thông tin đáng tin cậy nào về sự tồn tại của một hiệp ước quân sự giữa hai nước Cuba và Venezuela, cũng như không có bất kỳ giao dịch mua vật tư chiến tranh nào giữa họ với các nước thứ ba, hay các cuộc diễn tập quân sự chung.

Như vậy cáo buộc của Mỹ đối với Cuba hoàn toàn không thể chứng thực, Cuba không có hoạt động quân sự nào ngoài việc trao đổi các tùy viên với Venezuela.

Tuy nhiên chính quyền của ông Trump vẫn cần có những con ngáo ộp để tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của người dân Mỹ nói chung và người Mỹ gốc Cuba nói riêng trong thời gian tới. Và không có gì thu hút cộng đồng ở Florida hơn là chĩa mũi giáo về Cuba.

Lực lượng vũ trang Cuba (Phóng sự của AP).