Thương chiến Mỹ Trung ảnh hưởng đến nhu cầu nhân sự Việt Nam: Nhân lực cấp cao được các tập đoàn lớn ráo riết săn đón

12-07-2019 - 20:48 PM

Những vị trí ‘nóng’ nhất trên thị trường hiện nay là vị trí quản lý với nhiều năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như vận hành, kế toán, nhân sự, kinh doanh.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chững lại trong quý II năm 2019, với mức tăng trưởng GDP 6.7% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vậy, ngành Nhân sự cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, với nhu cầu mở rộng và xây dựng chuỗi sản xuất tại Việt Nam của công ty đa quốc gia ngày càng tăng do cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Theo nhận định của bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng TP. Hồ Chí Minh, Adecco Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới, với số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với căng thẳng mới từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, nhiều tập đoàn đặt nhà máy tại Trung Quốc đang đẩy mạnh việc thiết lập tại Việt Nam như một lựa chọn thích hợp nhất. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của các công ty Công nghệ Tài chính (FinTech) và khởi nghiệp khiến ‘cuộc chiến’ tìm kiếm nhân tài cho vị trí kinh doanh (sales), tiếp thị, vận hành và thương mại dịch vụ trở nên quyết liệt hơn.

Đồng ý với nhận định này, bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Hà Nội cho hay: "Nhu cầu tuyển dụng thường tăng mạnh trong quý II, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán, với số lượng tăng 20 - 30% chỉ riêng văn phòng Hà Nội, tập trung vào các ngành Ngân hàng, CNTT và Công nghệ Tài chính."

Thương chiến Mỹ Trung ảnh hưởng đến nhu cầu nhân sự Việt Nam: Nhân lực cấp cao được các tập đoàn lớn ráo riết săn đón  - Ảnh 1.

Nhu cầu tìm kiếm nhân tài không đồng đều giữa các ngành nghề. Tiếp nối sự bùng nổ năm 2018, ngành Sản xuất dẫn đầu cuộc đua tuyển dụng, với nhiều nhà đầu tư lớn sẵn sàng chi mạnh để thu hút nhân tài, kể cả về độ chín và số lượng. Công nghệ Tài chính và Thương mại điện tử (e-commerce) cũng có nhiều biến chuyển lớn, với nỗ lực thu hút nhân tài trên khắp cả nước. 

Phúc lợi về lương và tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu với người lao động, dựa trên Khảo sát Lựa Chọn Nghề Ngiệp và Động Lực Làm Việc được ra mắt tháng 6 năm 2019. Tuy nhiên, khi được hỏi về lý do nghỉ việc, thiếu hụt cơ hội phát triển sự nghiệp lại là lý do hàng đầu, tiếp đến là cơ hội tốt hơn và quan hệ không tốt với sếp trực tiếp. Do vậy, để tránh hiện tượng chảy máu nhân tài, doanh nghiệp không chỉ cần tập trung vào thu hút nhân tài mới, mà còn cần bồi dưỡng tài năng hiện có.

Những vị trí ‘nóng’ nhất trên thị trường hiện nay, không ngoài dự đoán, là vị trí quản lý với nhiều năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như vận hành, kế toán, nhân sự, kinh doanh. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Hà Nội chia sẻ: "Bước khởi đầu của doanh nghiệp là rất thiết yếu, do vậy các công ty cần tìm những cá nhân có kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về thị trường, qua đó giúp công ty đặt nền móng vững chãi tại Việt Nam, trong cả mối quan hệ với khách hàng và tổ chức bộ máy."

Dự đoán trong quý III, thị trường tuyển dụng sẽ tiếp tục sôi động. Với mong muốn có thể xây dựng hệ thống sản xuất tại Việt Nam để thay thế nhà máy tại Trung Quốc, các tập đoàn sẽ tập trung săn lùng ứng viên kỹ thuật và ngành Sản xuất tăng cao. Cùng với đó, ứng viên có kinh nghiệm về dữ liệu và xử lý thông tin (Business Intelligence và Data Engineering) sẽ được các công ty Công nghệ Tài chính đặt lên hàng đầu. 

Tuy nhiên, với tầm nhìn xa, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ mạnh tay đầu tư cho lớp nhân tài trẻ chưa có kinh nghiệm, với mong muốn xây dựng quỹ nhân tài phù hợp với văn hóa công ty của riêng mình.