Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 Nga: Công to nhưng tội lớn ở Syria

15-12-2019 - 07:26 AM

Câu chuyện liên quan tới chiếc F-16 của Israel bị tiêu diệt hồi tháng 2/2018, khi các tổ hợp phòng không Syria bắn loạn xạ mà không liên kết với nhau, trong đó có cả Pantsir-S1.

Tổ hợp 96К6 "Pantsir-S1", một trong số những tổ hợp pháo tên lửa phòng không nổi danh hơn cả và được quảng cáo rất rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, có có đủ kinh nghiệm chiến đấu, nhất là so với đa số các tổ hợp phòng không hiện đại khác của Nga.

Pantsir-S1 được sử dụng rộng rãi trong các chiến dịch trên lãnh thổ Syria. Những tổ hợp này được cả lực lượng viễn chinh Nga sử dụng để bảo đảm an toàn cho căn cứ không quân Khmeimim, lẫn các đơn vị phòng không của Syria.

Thế nhưng, nếu như các tổ hợp Pantsir-S1 của Nga đánh chặn thành công nhiều cuộc tấn công ồ ạt bằng đạn phản lực và tên lửa tự chế của quân khủng bố, thì những tổ hợp Pantsir-S1 của Syria lại cho thấy hiệu quá rất thấp trong việc chặn đứng các cuộc tấn công của Không quân Israel.

Những cuộc không kích của Israel bằng tên lửa hành trình và bom định vị nhằm vào các cơ sở quân sự trên lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát, cũng như tiêu diệt hai tổ hợp Pantsir-S1 đã làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả thực sự của hệ thống phòng không này.

Thậm chí trên nhiều phương tiện truyền thông và mạng internet thường xuyên xuất hiện ý kiến khẳng định về việc Pantsir-S1 hoàn toàn không đúng với những tính năng được quảng cáo và không hiệu quả trong cuộc đối đầu với các phương tiện tấn công từ trên không.

Thậm chí, trong các khu vực trên lãnh thổ Syria được những tổ hợp này bảo vệ, không quân Israel cảm thấy như đang ở nhà mình. Hãy thử tìm hiểu do đâu mà Pantsir-S1 và các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại khác do Nga sản xuất lại có hiệu quả thấp đến thế trong thành phần hệ thống phòng không Syria.

Những vấn đề của hệ thống phòng không Syria

Pantsir là hệ thống phòng không hiện đại đông quân số nhất trong thành phần phòng không Syria - tổng cộng có khoảng 36 tổ hợp.

Những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại khác do Nga sản xuất trong thành phần lực lượng phòng không Syria là những tổ hợp tầm trung Buk-M2E – theo các đánh giá, Syria có gần 20 bệ phóng.

Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 Nga: Công to nhưng tội lớn ở Syria - Ảnh 2.

Tổ hợp 96К6 "Pantsir-S1"

Ngoài những tổ hợp phòng không hiện đại, Syria còn sở hữu số lượng lớn các tổ hợp phòng không của Liên Xô – vài chục tổ hợp phòng không S-75 và S-125, trên 10 tổ hợp tên lửa phòng không "Kub" và vài tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-200.

Phần lớn các tổ hợp phòng không của Liên Xô sản xuất chỉ ghi trên giấy, còn gần như không còn khả năng chiến đấu. Ngoài ra, những tính năng kỹ thuật của các tổ hợp này không thể chống lại những máy bay chiến đấu hiện đại.

Nhưng thậm chí không tính đến các tổ hợp phòng không của Liên Xô sản xuất, lực lượng phòng không hiện đại do Nga sản xuất, dường như, phải bảo vệ an toàn được lãnh thổ của Syria. Vậy tại sao các cuộc không kích của Israel, hết lần này đến lần khác, đều tới được những mục tiêu?

Ngay lập tức cần phải lưu ý rằng ý kiến về việc các máy bay của Israel bay trên không phận của Syria để thực hiện không kích là hoàn toàn không chính xác. Thông thường, các máy bay của lực lượng không quân Israel thậm chí còn không đi vào không phận Syria.

Chiến thuật không kích chuẩn của không quân Israel là bí mật tiếp cận lãnh thổ Syria từ phía Li-băng, quốc gia ngăn cách với Syria bởi địa hình đồi núi hiểm trở, "nhao lên" thật nhanh, phóng bom định vị và các tên lửa hành trình hàng không và rút khỏi khu vực có thể bị các tổ hợp phòng không Syria bắn hạ.

Như vậy, lực lượng phòng không Syria phải đối mặt với các vũ khí tấn công từ trên không – đó là những tên lửa hành trình và bom định vị. Tầm bay thấp (đối với các tên lửa hành trình) và độ tán xạ hiệu quả vô cùng nhỏ của các vũ khí tấn công từ trên không này làm hạn chế tối đa tầm phát hiện của chúng.

Tên lửa hành trình hiện đại, căn cứ vào tầm quét của radar, có thể bị phát hiện ở khoảng cách không quá 20-40km. Trong trường hợp của Syria, tình hình còn khó khăn hơn do địa hình phức tạp.

Như vậy, thậm chí cả trong trường hợp phát hiện được các tên lửa hành trình của Israel, thời gian để phản ứng là rất ít. Ngoài ra, sự vô trách nhiệm mang tính truyền thống của binh lính các nước Ả Rập cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng.

Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 Nga: Công to nhưng tội lớn ở Syria - Ảnh 3.

Pantsir-S1 Nga trực chiến tại sân bay Khmeimim, Syria.

Nhưng lỗ hổng chủ yếu của hệ thống phòng không Syria là thiếu các trạm quan sát radar định vị hiện đại và phù hợp, mà sẽ phải thực hiện nhiệm vụ cung cấp chỉ dẫn mục tiêu trước tiên cho tổ hợp tên lửa phòng không, và cảnh báo sớm về cuộc không kích.

Điều đặc biệt quan trọng đó là căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ có một phần các tổ hợp tên lửa phòng không ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Ngoài những hệ thống radar định vị hiện đại, Syria còn thiếu cả hệ thống điều khiển phòng không tự động, khiến việc điều khiển không được tập trung.

Điều này được chứng minh bằng câu chuyện liên quan tới chiếc F-16 của Israel bị tiêu diệt hồi tháng 2/2018, khi các tổ hợp tên lửa phòng không Syria bắn loạn xạ mà không liên kết với nhau.

Tuy nhiên, một phần các tên lửa hành trình đã bị những tổ hợp tên lửa phòng không Syria ngăn chặn trong một số lần, và đó có thể coi là thành công đối với hệ thống phòng không Syria.

Cần phải nêu rõ rằng hệ thống phòng không được coi là hiệu quả chỉ khi nó được tích hợp tất cả những thành phần cần thiết. Nếu không, dù có sở hữu những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất cũng không đảm bảo được sự thành công.

Điều này đã được chứng minh bởi cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Ả Rập Xê Út hồi tháng 9/2019 bằng các UAV cảm tử và tên lửa hành trình.

Bất chấp có tối thiểu vài khẩu đội tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất được bố trí xung quanh các nhà máy, gần như tất cả UAV và tên lửa hành trình được phóng ra đều bắn trúng những mục tiêu của chúng.

Pantsir-S1 cần để làm gì?

Ngoài kinh nghiệm triển khai chiến đấu của các đơn vị phòng không Syria, chính Pantsir cũng hứng chịu sự chỉ trích.

Lấy ví dụ, có thể gặp không ít ý kiến cho rằng tổ hợp này có tính hiệu quả thấp trong cuộc chiến chống lại các mục tiêu lượn vòng qua trận địa, và những muc tiêu có tham số lớn (góc vuông từ điểm bố trí tổ hợp tên lửa phòng không đến mặt cắt ngang của hướng mục tiêu bay). Cũng có ý kiến cho rằng tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần tương tự là Tor-M2 còn hiệu quả hơn.

Khó có thể đồng tình với ý kiến này, bởi vì Pantsir-S1 và Tor-M2 có hai nhiệm vụ khác nhau.

Nếu như Tor-M2 là tổ hợp phòng không của lục quân và thực hiện chức năng bảo vệ các cụm quân trước những cuộc tấn công của không quân cũng như những vũ khí tấn công từ trên không của địch, thì Pantsir là tổ hợp phòng không với chức năng bảo vệ các công trình của nhà nước và căn cứ quân sự.

Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 Nga: Công to nhưng tội lớn ở Syria - Ảnh 4.

Pantsir-S1 bị Israel tiêu diệt.

Những mục tiêu chính của Pantsir là các tên lửa hành trình và những loại bom điều khiển, UAV,… Các phương tiện tấn công từ trên không này, ngoại trừ những tên lửa hành trình, có chi phí thấp và khả năng sử dụng số đông.

Trong khi đó, những phương tiện tấn công từ trên không kiểu này rất dễ tiêu diệt, còn đối với tổ hợp tên lửa phòng không bảo vệ căn cứ bị chúng tấn công, lại có tham số rất nhỏ. Và để chiến đấu chống lại chúng, không gì phù hợp bằng Pantsir-S1.

Đặc điểm mang ý nghĩa then chốt của Pantsir là hệ thống radar định vị theo dõi và dẫn hướng tần sóng milimet, bảo đảm độ chính xác cực cao để xác định toạ độ của mục tiêu, cũng như việc sử dụng những tên lửa phòng không đơn giản.

Các tên lửa của Pantsir sử dụng hình thức dẫn hướng đơn giản nhất – chỉ huy vô tuyến, mà nhờ việc sử dụng hệ thống radar định vị đã đề cập ở trên, sẽ bảo đảm được độ chính xác cực cao khi dẫn hướng.

Bằng cách này, đã giảm thiểu tối đa giá thành của một lần bắn, thứ rất cấp thiết trong bối cảnh phải tốn rất nhiều các tên lửa phòng không khi thực hiện đánh chặn những cuộc tấn công của các phương tiện tấn công hiện đại từ trên không.

Như vậy, Pantsir là một tổ hợp có giá thành thấp, nhưng cũng rất phù hợp với những phạm vi hẹp của các nhiệm vụ mà nó được chế tạo ra để thực hiện.

Các sự kiện trong thời gian gần đây cho thấy rõ hơn về mức độ của mối hiểm hoạ ngày càng tăng từ việc các băng nhóm vũ trang, thậm chí là phi chính quy, sử dụng ồ ạt những phương tiện tấn công từ trên không rẻ tiền, nhưng rất hiệu quả.

Và nếu những nước khác chỉ nghĩ tới việc chế tạo các phương tiện phòng không mới, có khả năng chống trả có hiệu quả trước những mối đe doạ này, thì Nga không chỉ đã chế tạo thành công tổ hợp tương tự, mà còn trang bị chúng với số lượng lớn cho những đơn vị phòng không của mình.