Tư liệu, thư tịch của Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam- Kỳ 2: Hoàng Sa và Trường Sa không tồn tại trong địa đồ hành chính Trung Quốc

07-12-2017 - 06:00 AM

Quảng Đông toàn đồ” trong sách “Thanh nhị kinh thập bát tỉnh cương vực toàn đồ”, tác giả: Đông Điều Văn Tả Vệ Môn, Nhật Bản Gia Vĩnh tam niên khắc bản (1850):

Trung Quốc là nơi có truyền thống lâu đời về sử học nói chung và địa đồ nói riêng, ngành khảo cổ từng phát hiện vài tấm địa đồ vẽ những địa phương nhỏ có niên đại rất sớm. Tuy nhiên, trong các địa đồ hành chính Trung Quốc, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng xuất hiện qua các bản đồ hành chính cổ Trung Quốc.


Trong mục địa lý chí chép rất tỷ mỷ về các phủ này về vị trí địa lý, các huyện trong phủ, địa lý và tiềm năng kinh tế của các huyện.

Tuy nhiên, tác giả của Quảng Đông toàn đồ Thanh sử cảo không hề thể hiện trên bản đồ và tất nhiên không có lời nào, dòng nào mô tả về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tư liệu, thư tịch của Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam- Kỳ 2: Hoàng Sa và Trường Sa không tồn tại trong địa đồ hành chính Trung Quốc - Ảnh 1.

Thanh sử cảo

Ngoài ra, còn có một số địa đồ hành chính và quân sự tiêu biểu trong tập Quảng Châu lịch sử địa đồ tinh túy, xuất bản năm 2003, do Phòng lưu trữ hồ sơ lịch sử số 1 thuộc Tổng cục Lưu trữ Trung ương Trung Quốc phối hợp Cục Lưu trữ thành phố Quảng Châu công bố. Toàn tập tuyển chọn 97 bức, gồm địa đồ thế giới, địa đồ hành chính toàn Trung Quốc, địa đồ hành chính tỉnh Quảng Đông, thành phố Quảng Châu và các phủ, huyện… do giới quan chức hành chính, quân sự soạn/vẽ/in vào triều Thanh và thời Dân quốc.

Theo tính chất và đặc điểm, có thể phân loại các loại bản đồ trong tập địa đồ trên như sau:

Loại địa đồ hành chính tỉnh Quảng Đông gồm 10 bức có niên đại sớm nhất là Quảng Đông tổng đồ, kích thước 295x196cm, vẽ màu trên lụa, khoảng năm 1658 (đời vua Khàn Hy năm thứ 24). Phần trên của địa đồ là nội dung thuyết minh (Quảng Đông toàn tỉnh đồ thuyết), giới thiệu tổng quan về tỉnh Quảng Đông, nói rõ về tứ chí (bốn hướng giáp giới) cùng các đơn vị hành chính. Địa đồ này và chín bức cùng loại cho thấy cương giới tỉnh Quảng Đông chỉ đến hết phủ Quỳnh Châu (Hải Nam).

Loại địa đồ hành chính toàn quốc được tuyển hai bức Thiên hạ toàn đồ, kích thước 142x231, 6cm và Hoàng triều dư địa toàn đồ, kích thước 57x57, 3cm, niên đại khoảng năm 1728, 1729. Hai địa đồ này cho thấy cương giới phía nam Trung Quốc chỉ đến phỉ Quỳnh Châu (Hải Nam).

Loại địa đồ thể hiện cương giới biển có hai bức Duyên hải thất tỉnh khẩu ngạn hiểm yếu đồ (Các nơi hiểm yếu ở 7 tỉnh ven biển), kích thước 30x 36,7cm, niên đại khoảng năm 1887 và Thất tỉnh duyên hải toàn dương đồ (Toàn bộ vùng biển của 7 tỉnh duyên hải), kích thước 28x 914,2cm, khoảng năm 1862-1908 (đời vua Quang Tự). Hai địa đồ này cho thấy vùng biển nam Trung Quốc không vượt quá 18o vĩ Bắc.

Loại địa đồ quân sự có bức Quảng Đông thủy sư doanh quan binh trú phòng đồ (Các đồn biên phòng của thủy quân Quảng Đông), kích thước 32x 560cm, vẽ màu trên giấy, niên đại ước sau năm 1866. Địa đồ quân sự này thể hiện chi tiết về núi sông, đảo dư, cửa khẩu, doanh trại, pháo đài,… (trên các đảo và ven bờ biển), ghi rõ các nơi giáp giới vùng biển Giao Chỉ. Các chi tiết cho thấy không nhóm đảo hoặc hòn đảo nào ứng với Tây Sa và Nam Sa (cách gọi của Trung Quốc đối với Trường Sa và Hoàng Sa).

Trong các công trình nghiên cứu về Nam Hải, giới học giả Trung Quốc thường dẫn dụng khoảng 50 bức địa đồ đời Minh, Thanh-là những bức địa đồ tổng quan thế giới - để lý luận về chủ quyền lịch sử, đại ý rằng: "Địa đồ lịch sử Trung Quốc đã ghi nhận vè hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (bằng tên gọi của thời đó như Vạn lý Trường Sa, Thiên lý Thạch Đường…) chứng tỏ các vương triều Trung Quốc đã xác định chủ quyền đối với những đảo, quần đảo này". Trong khi những bức địa đồ thể hiện cương vực Trung Quốc xưa (có giá trị như bản đồ hành chính Trung Quốc ngày nay), là cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền cương vực quốc gia lại không được nhắc tới.

Trong thời gian gần đây các nhà sưu tập phát hiện 3 tập atlas do chính quyền Trung Quốc xuất bản trước đây đều không thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là:

Atlas of the Chinese Empire- Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908, bằng tiếng Anh. Atlas này gồm 1 bản đồ tổng thể (Index Map) vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc. Các bản đồ đều có kích thước 31x 41cm. Đây là atlas chính thức, được in lần đầu tại Trung Quốc với số lượng in giới hạn, do The China Inland Mission, có trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc), London (Anh), Philadelphia (Hoa Kỳ), Toronto (Canada) và Melburn (Úc), biên soạn và phát hành với sự giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh và sự trợ giúp kỹ thuật của một người Anh tên là Edward Stanford.

Tư liệu, thư tịch của Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam- Kỳ 2: Hoàng Sa và Trường Sa không tồn tại trong địa đồ hành chính Trung Quốc - Ảnh 2.

Trung Quốc địa đồ

Atlas Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ - Postal Atlas of China, do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919. Atlas được in bằng 3 thứ tiếng: Trung - Anh - Pháp, gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 46 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc, đều có kích thước là 61x 71cm (Atlas này hiện vẫn sở hữu của một nhà sưu tập ở Ba Lan).

Tư liệu, thư tịch của Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam- Kỳ 2: Hoàng Sa và Trường Sa không tồn tại trong địa đồ hành chính Trung Quốc - Ảnh 3.

Bản đồ Trung Quốc in trong tập Atlas "Trung Hoa Bưu Chính Dư Đồ" do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản bằng 3 thứ tiếng Trung, Anh, Pháp tại Nam Kinh năm 1919.

Atlas Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ - Postl Atlas of China, cũng do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh vào năm 1933. Atlas này cũng được in bằng 3 thứ tiếng: Trung - Anh - Pháp, gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 29 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc, bao gồm cả Tây Tạng và Mông Cổ. Các bản đồ trong atlas này đều có kích thước là 61x71cm. Tấm bản đồ số 23 trong atlas này là bản đồ tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả đảo Hải Nam, nhưng do hạn chế kích cỡ nên không thể in đảo Hải Nam trên bản đồ này. Vì thế, người ta đã in them bản đồ đảo Hải Nam cào góc trái của tấm bản đồ số 23 này.

Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Vì thế mà cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề đả động gì đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1906 và sau này chính quyền Trung Hoa Dân quốc tái bản các atlas này vào các năm 1919 và 1933, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là "chủ quyền lịch sử" phi pháp của Trung Quốc.