Vì sao Mỹ trơ mắt nhìn tàu dầu Iran thẳng tiến Venezuela: Ẩn số không ai ngờ từ Trung Quốc

Vy Lam | 29-05-2020 - 06:47 AM

(Tổ Quốc) - Đã có những lo ngại cho rằng 5 tàu dầu Iran sẽ gặp phải thách thức từ phía tàu chiến Mỹ khi tìm cách tới Venezuela nhưng trên thực tế, Hải quân Mỹ không có hành động can thiệp nào.

Tàu dầu đầu tiên xuất phát từ cảng Bandar Abass của Iran tới vùng biển Caribe mang tên Fortune. Con tàu này đã tiến vào vùng biển Venezuela hôm 24/5 và sau đó được hải quân, cùng không quân Venezuela hộ tống tới Puerto Cabello để chuyển giao số nhiên liệu mang theo cho nhà máy lọc dầu El Palito.

Các tàu dầu tiếp theo đang lần lượt tiến vào vùng biển Venezuela. Chiếc thứ 4 đã tới đặc khu kinh tế của Venezuela trong ngày 28/5. Chính phủ Venezuela đã chi trả cho số nhiên liệu này theo giá trị thường.

Theo nhà báo Ấn Độ Vijay Prashad, ở một thế giới khác, đây sẽ là giao dịch thương mại thông thường nhưng ở thế giới này thì không phải.

Trong tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho Hải quân Mỹ điều tàu tới vùng biển Caribe để thực hiện nhiệm vụ chống ma túy.

Có những lo ngại cho rằng những chiếc tàu dầu của Iran sẽ gặp phải thách thức từ phía tàu chiến Mỹ khi tìm cách tiếp cận bờ biển Venezuela nhưng trên thực tế, Hải quân Mỹ đã không có hành động can thiệp nào. Một sự vụ lớn đã được ngăn chặn.

Nhà báo Prashad cho rằng, lý do khiến Mỹ không ngăn chặn các tàu dầu Iran không nằm ở riêng Iran hay Venezuela, mà nằm ở sự hiện diện của Trung Quốc phía sau hai quốc gia này.

Trung Quốc có mối liên kết thương mại sâu sắc với Iran, và đang từng bước phát triển các liên kết tương tự với Venezuela.

Trong đại dịch toàn cầu COVID-19, Trung Quốc đã cung cấp các mặt hàng quan trọng cho cả hai phía. Nhưng điều quan trọng nhất là, tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã thẳng thắn chống lại chính sách thay đổi chế độ mà Mỹ đang áp dụng để chống lại hai quốc gia này.

Chính "chiếc khiên" Trung Quốc đã giúp các tàu chở dầu Iran thoát khỏi một cuộc phong tỏa hải quân của Mỹ.

Mối liên kết giữa Trung Quốc và Iran, Venezuela

Chỉ mới hai thập kỷ trước, Trung Quốc vẫn còn né tránh các cuộc đối đầu trực diện với Mỹ. Chẳng hạn, vào năm 1999, các máy bay ném bom Mỹ - dưới sự chỉ huy của NATO – đã tấn công Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade. Mỹ và NATO nói đó là một cuộc tấn công vô tình (mặc dù bằng chứng cho thấy đó là cuộc tấn công có chủ ý).

4 ngày sau, chính phủ Bắc Kinh cho phép các cuộc biểu tình chống Mỹ diễn ra ở Trung Quốc, nhưng rồi mọi chuyện lắng xuống (Mỹ đã bồi thường). Sự việc không còn gì để nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện giờ không còn giữ thái độ đó nữa. Nếu sự vụ tương tự xảy ra vào thời điểm này, Trung Quốc chắc chắn sẽ không cho qua chuyện, họ sẽ biến nó trở thành một sự cố quốc tế, kiến nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – nơi Trung Quốc đã trở thành thành viên thường trực.

Vì sao Mỹ trơ mắt nhìn tàu dầu Iran thẳng tiến Venezuela: Ẩn số không ai ngờ từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc đang tích cực củng cố mối quan hệ với Iran và Venezuela (Ảnh minh họa. Nguồn: venezuelanalysis)

Lập trường rõ ràng hơn của Trung Quốc đối với vấn đề người Palestine, đặc biệt là trong bối cảnh ông Trump đang thúc đẩy chính phủ Israel tăng cường các chính sách nhằm chống lại nhóm người này, là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tham vọng có tiếng nói lớn hơn để bảo vệ những người đang bị quyền lực của Mỹ đàn áp.

Càng ngày Trung Quốc càng ủng hộ Iran và Venezuela chống lại Mỹ. Bắc Kinh có mối liên kết kinh tế sâu sắc với Iran – quốc gia nằm ở trung tâm Sáng kiến Vành đai & Con đường do Trung Quốc khởi xướng.

Xu Bu, Đại sứ Trung Quốc tại Chile, đã thẳng thắn lên tiếng chỉ trích Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và những phát ngôn chống Trung Quốc mà Mỹ đã tìm cách truyền bá ở Mỹ Latinh. Trên tờ La Tercera của Chile, ông Xu Bu gọi ông Pompeo là "kẻ dối trá", đây là những từ ngữ rất mạnh trong thế giới ngoại giao.

Trung Quốc cho biết họ đang tích cực dấn bước vào Nam Mỹ để tạo ra lợi thế chung cho cả Trung Quốc và các quốc gia riêng lẻ. Lập luận tương tự cũng được các nhà ngoại giao Trung Quốc đưa ra khi nói về mối liên kết với Iran.

Trung Quốc đã giúp cả Iran và Venezuela đối phó với COVID-19 thông qua các đợt hỗ trợ nhân viên và trang thiết bị y tế. Qua điều này, có thể thấy một biểu hiện rất rõ ràng: Trung Quốc đã thể hiện rõ với Washington rằng họ đang đứng sau chính phủ của cả hai quốc gia đó.

Vì sao Mỹ trơ mắt nhìn tàu dầu Iran thẳng tiến Venezuela: Ẩn số không ai ngờ từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Các tàu chở dầu Iran đang lần lượt tới vùng biển Venezuela. Ảnh: IRNA.

"Lá chắn" bảo vệ các tàu dầu Iran

5 tàu chở dầu Iran đã rời Bandar Abbas với lá cờ Iran tung bay và hệ thống radar đã được kích hoạt, không có dấu hiệu nào cho thấy chúng sẽ không thẳng tiến tới đích cần đến. Chuyến đi này rất khác với hành trình của tàu dầu Grace 1 qua Địa Trung Hải để tới Syria. Đây là con tàu từng bị lực lượng Anh bắt giữ ở Gibraltar năm 2019, vụ việc đã trở thành sự cố quốc tế.

Song lần này, tình huống tương tự đã không xảy ra với nhóm 5 tàu dầu Iran. Mỹ sẽ không cho phép các tàu dầu của Iran đi vào vùng biển của Venezuela nếu không cảm thấy rằng chúng có Trung Quốc [và có thể cả Nga] chống lưng.

Không khó hiểu khi Washington, bất chấp các nỗ lực nhằm thay đổi cán cân lực lượng trên thế giới, lại phải thỏa hiệp khi Trung Quốc quyết định đứng về phía chính phủ hai nước Venezuela và Iran.

Vì sao Mỹ trơ mắt nhìn tàu dầu Iran thẳng tiến Venezuela: Ẩn số không ai ngờ từ Trung Quốc - Ảnh 4.

Một thủy thủ trên tàu Fortune cầm hai lá cờ của Iran và Venezuela (Nguồn ảnh: peoplesdispatch)

Ông Prashad cho rằng, các cuộc chiến tranh phức hợp của Mỹ sẽ còn tiếp diễn, sự hiếu chiến sẽ còn tiếp tục, các khoản chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn sẽ làm lu mờ phần còn lại của thế giới nhưng Mỹ đồng thời phải chấp nhận một sự thật là: Họ không thể hành động dễ dàng nếu Trung Quốc quyết định xây dựng tấm "lá chắn" xung quanh một số quốc gia khác. Điều này đã được thể hiện rõ ràng khi tàu dầu Fortune thẳng tiến vào Venezuela một cách bình an vô sự.

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Vijay Prashad.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM