Vì sao Vingroup âm thầm xây app VinShop, tiến quân vào miếng bánh lớn nhất của thị trường bán lẻ mang tên bách hóa?

Thảo Nguyên | 16-09-2020 - 08:06 AM

(Tổ Quốc) - Thông tin trên một số diễn đàn đang đặt ra nghi vấn Vingroup sẽ cho ra mắt ứng dụng VinShop kết nối giữa chủ tạp hóa bán lẻ và các đơn vị cung cấp hàng hóa.

Thông tin trên một số diễn đàn đang đặt nghi vấn cho biết tập đoàn Vingroup đang âm thầm có những động thái tấn công vào mảng bán lẻ đầy tiềm năng mà chưa doanh nghiệp nào khai thác: Hệ thống các cửa hàng bách hóa.

Trên cửa hàng ứng dụng xuất hiện ứng dụng VinShop kết nối giữa chủ tạp hóa bán lẻ và các đơn vị cung cấp hàng hóa. Một số hình ảnh rò rỉ cho thấy khi các chủ tạp hóa hợp tác cùng VinShop thì sẽ được hỗ trợ về biển hiệu, bố trí cửa hàng. Ngoài ra trên biển hiệu của cửa hàng tạp hóa này ngoài VinShop có sự xuất hiện của cả VinID.

Hiện VinShop đã xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng Appstore, CH Play cũng như có địa chỉ website VinShop.vn 

Được biết, VinShop là ứng dụng thuộc tập đoàn One Mount Group dành cho các chủ tiệm tạp hóa và đối tác. One Mount Group được thành lập tháng 9/2019 với vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, và Vingroup là một trong những cổ đông sáng lập khi góp hơn 51% vốn.

Với ứng dụng VinShop, các chủ tiệm tạp hóa có thể đặt hàng giá tốt với nhiều ưu đãi, hàng hóa luôn được đảm bảo chất lượng từ các thương hiệu, nhà cung cấp nổi tiếng. Đồng thời, các đối tác của VinID tối ưu hiệu quả quản lý gian hàng của mình trên ứng dụng VinID và hỗ trợ thanh toán qua ví điện tử VinID Pay.

Nếu nghi vấn này là sự thật thì đây có thể xem là bước đi táo bạo của Vingroup trong ngành bán lẻ đầy tiềm năng. Số liệu từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020.

Tuy nhiên tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam lại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Các số liệu thống kê thể hiện rõ: Tuy mức tăng rất thấp nhưng kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm số lượng áp đảo thị trường bán lẻ

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay, bán lẻ truyền thống tuy chiếm 74% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ chiếm 1%/năm.

Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Vì sao Vingroup âm thầm xây app VinShop, tiến quân vào miếng bánh lớn nhất của thị trường bán lẻ mang tên bách hóa? - Ảnh 2.

Có đến 9/10 người được hỏi (92%) cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Đó là do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ. Ngoài ra dưới góc độ cá nhân kinh doanh, việc mở cửa hàng bách hóa khá dễ dàng khi len lỏi vào ngõ ngách hoặc các ki ốt nhỏ tại các khu chung cư mà không có những tiêu chuẩn về diện tích, vốn.

Doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2020 dự kiến sẽ đạt 160 tỷ USD. Theo chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm.

Vì sao Vingroup âm thầm xây app VinShop, tiến quân vào miếng bánh lớn nhất của thị trường bán lẻ mang tên bách hóa? - Ảnh 3.

Thị trường tiềm năng như vậy nhưng việc tiếp cận, phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào kênh truyền thống chưa hiệu quả. Với việc kết nối trực tiếp với nhà cung cấp thông qua VinShop, các chủ tiệm tạp hóa sẽ giải quyết được bài toán nhập hàng nhỏ lẻ từ nhiều đại lý cũng như được hưởng nhiều ưu đãi chiết khấu trực tiếp từ đơn vị sản xuất.

Theo báo cáo "Ngành bán lẻ Việt Nam: Chuyển dịch nhanh sang mô hình bán hàng đa kênh" mới công bố của Deloitte, tính đến hết năm 2019, cả nước có 3.450 siêu thị với tổng diện tích sàn lên đến hơn 1,6 triệu m2. Khác với các mô hình bán lẻ còn lại, kênh siêu thị ghi nhận mức tăng trưởng doanh số cao nhất vào năm 2019, đạt 16%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng như xu thế phát triển của thương mại điện tử, các mô hình bán lẻ này có được sự tốc độ tăng trưởng khá tốt mà mô hình truyền thống không có được.

Với thông tin đồn đoán Vingroup đưa công nghệ vào miếng bánh lớn mang tên cửa hàng bách hóa có thể đánh giá là nước đi tiên phong táo bạo, khôn ngoan và nếu thành công sẽ đem lại nhiều lợi ích từ độ phủ của VinShop cũng như hệ sinh thái của VinID.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM