• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư CTMTQG về phát triển văn hóa đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét

Thời sự 07/05/2024 07:26

(Tổ Quốc) - Đó là nhận định của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 7 vừa được tổ chức đầu tháng 5/2024.

Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư CTMTQG về phát triển văn hóa đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét - Ảnh 1.

Hình minh họa

Đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được xây dựng bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa trong giai đoạn 2025-2035 trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, đã đáp ứng được tiêu chí xác định chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại khoản 9, Điều 4 Luật Đầu tư công.

Ủy ban cho rằng, việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay là cần thiết, có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn.

"Việc đầu tư Chương trình sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội thảo Văn hóa năm 2022 về "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh.

Cũng theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần đáp ứng yêu cầu chấn hưng và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cơ bản tán thành với đánh giá sơ bộ về hiệu quả kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của Chương trình. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị đánh giá sâu sắc hơn với những tính toán lượng hóa cụ thể về tác động của văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực cho phát triển; bổ sung đánh giá trên khía cạnh ngoại giao, nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế.

Ủy ban cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình, bảo đảm tính hiệu quả, tính khả thi, dễ quản lý, dễ thực hiện, tránh trùng lặp, Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng việc phân công đầu mối hướng dẫn, triển khai thực hiện, bảo đảm gọn và rõ ràng, hợp lý, không chồng chéo và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đề nghị cân nhắc việc thu hẹp các đầu mối quản lý, hướng dẫn, triển khai thực hiện chương trình.

Về thời gian, tiến độ thực hiện Chương trình, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí với việc xác định thời gian thực hiện Chương trình như Tờ trình của Chính phủ là 11 năm, từ năm 2025-2035, chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là năm 2025; giai đoạn 2 từ 2026-2030; giai đoạn 3 từ 2031-2035.

"Cách phân chia như vậy là hợp lý, có thời gian để chuẩn bị thực hiện Chương trình và phù hợp với các thời kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm việc bố trí ngân sách trong giai đoạn thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn" - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho hay.

Đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét

Qua xem xét các nhiệm vụ cụ thể đặt ra trong từng nội dung thành phần của Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cần bảo đảm tính kế thừa các nội dung, nhiệm vụ của chương trình, dự án giai đoạn trước trên cơ sở đánh giá cụ thể, định lượng về kết quả đạt được, mức độ đáp ứng yêu cầu thực tế, mức độ bao phủ, các phương thức, cách thức triển khai của từng chương trình, dự án đã thực hiện giai đoạn trước.

Các nội dung thành phần cần xác định nhiệm vụ cụ thể, cần chọn lọc để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, rõ nhiệm vụ ưu tiên, hướng tới thực hiện được các mục tiêu và tính toán được nguồn lực thực hiện, chủ thể thực hiện, đối tượng thụ hưởng.

Cùng với đó, cần cấu trúc phân nhóm nhiệm vụ, phân cấp quản lý rõ ràng đối với các cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tránh trùng lắp, chồng chéo, xung đột, bảo đảm gọn, rõ thẩm quyền, không có quá nhiều đầu mối; phù hợp với các văn bản phát luật mới ban hành về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, các cấp chính quyền.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động về giới để làm rõ sự cần thiết thúc đẩy lồng ghép giới vào các nội dung, hoạt động, dự án của Chương trình, bảo đảm nguyên tắc lồng ghép giới trong mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu, dự án và có định lượng kết quả đầu ra.

Về cơ chế, giải pháp thực hiện Chương trình, Ủy ban nhất trí với 6 nhóm giải pháp thực hiện Chương trình mà Chính phủ đã đề xuất. Bên cạnh đó, đề nghị cụ thể hóa về nhiệm vụ, lộ trình, tiến độ thực hiện dối với giải pháp về hoàn thiện thể chế; xác định rõ hơn nữa các giải pháp huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực của địa phương, có sự phân định một số nhóm địa phương khác nhau; cụ thể hóa các giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa, nghiên cứu xác định rõ một số nội dung, nhiệm vụ tập trung ưu tiên kêu gọi cá nguồn lực xã hội đầu tư.

"Ủy ban cho rằng, Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư CTMTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được chuẩn bị bảo đảm điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV" - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh.

Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình và sớm chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình./.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, dự thảo Chương trình đề ra các mục tiêu cụ thể như đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể gồm: Hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn.

100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Hàng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa.

Đến năm 2035 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau: Phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện; 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật; 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%; Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế.

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết./.






Thế Công

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ