• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dấu ấn Nhật Bản tại châu Phi và Nam Á trong chuyến công du dài ngày của Ngoại trưởng Yoko Kamikawa

Thế giới 04/05/2024 17:21

(Tổ Quốc) - Bà Yoko Kamikawa - Nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản đang thực hiện chuyến công du 10 ngày tới các nước ở Nam bán cầu trong bối cảnh Tokyo tìm cách thể hiện cam kết của mình với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và châu Phi.

Theo trang SCMP, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa hiện đang thực hiện chuyến công du nước ngoài trong 10 ngày, bắt đầu từ 27/4 tại quốc đảo Madagascar ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển phía đông châu Phi.

Thời gian từ 26/4 đến 5/5, chuyến đi nhằm tăng cường quan hệ kinh tế song phương để đặt nền móng cho cuộc họp cấp bộ trưởng về phát triển châu Phi mà Nhật Bản sẽ tổ chức tại Tokyo vào tháng 8 tới đây.

Dấu ấn Nhật Bản tại châu Phi và Nam Á trong chuyến công du dài ngày của Ngoại trưởng Yoko Kamikawa - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa bắt tay Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara tại dinh thự của ông ở Abidjan hôm 29/4. Ảnh: AFP

Trong chuyến công tác lần này, bà Kamikawa sẽ tham gia thảo luận về hợp tác kinh tế và chiến lược "Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Bên cạnh đó, bà Kamikawa cũng đến thăm Bờ Biển Ngà vào ngày 29/4 và Nigeria vào ngày 30/4 trước khi lên kế hoạch dừng chân ở Sri Lanka và Nepal vào cuối tuần này.

Theo Céline Pajon, nhà nghiên cứu Nhật Bản tại Trung tâm nghiên cứu Châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cùng với việc tăng cường hợp tác, Tokyo đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ở Nam bán cầu.

Ông Pajon cho biết những cân nhắc chiến lược đã được đặt lên hàng đầu trong các chuyến thăm đồng thời lưu ý kế hoạch Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Nhật Bản đặc biệt phù hợp với Madagascar, do vị trí của hòn đảo này ở phía tây Ấn Độ Dương, tách biệt khỏi lục địa châu Phi bởi kênh Mozambique.

Tuyến đường thủy chiến lược dài 1.700km (1.100 dặm) chủ yếu được sử dụng cho thương mại, vận chuyển tài nguyên năng lượng và khoáng sản, nhưng tình trạng buôn bán ma túy, đánh bắt trái phép và cướp biển cũng trở thành vấn nạn trong những năm gần đây.

"Do đó, Nhật Bản đang tìm cách tăng cường kết nối và an ninh hàng hải, thông qua đầu tư vào Cảng Toamasina và cung cấp tàu tuần tra. An ninh kinh tế là một yếu tố quan trọng khác được cân nhắc vì hòn đảo này rất giàu tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản như niken", bà Pajon nói đồng thời đề cập đến cảng chính của Madagascar.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Madagascar Andry Nirina Rajoelina hôm 28/4, bà Kamikawa khẳng định Nhật Bản muốn đóng góp vào khả năng phục hồi kinh tế của quốc gia châu Phi này bằng cách cải thiện sản xuất tài nguyên khoáng sản và thúc đẩy tăng trưởng đô thị.

Tại cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Bờ Biển Ngà vào cuối tuần trước, bà Pajon cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Tokyo đối với đất nước này như một cửa ngõ vào khu vực nói tiếng Pháp ở Tây Phi.

Dấu chân của Nhật Bản ở Châu Phi

Theo Purnendra Jain, Giáo sư danh dự tại Khoa Nghiên cứu Châu Á của Đại học Adelaide, Nhật Bản đã triển khai hội nghị quốc tế đa phương TICAD vào năm 1993, trở thành quốc gia châu Á đầu tiên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Phi thông qua khuôn khổ thể chế.

TICAD là một hội nghị quốc tế đa phương nhằm thảo luận và xử lý các vấn đề liên quan đến sự phát triển của lục địa châu Phi

Ông Ovigwe Eguegu, nhà phân tích chính sách tại công ty tư vấn phát triển quốc tế Development Reimagined do người châu Phi đứng đầu, đã trích dẫn Nigeria và Bờ Biển Ngà là hai quốc gia đã thúc đẩy quan hệ thương mại của Nhật Bản với lục địa này. Hai nước này nằm trong số những nhà nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản lớn nhất châu Phi.

"Ngoài thương mại, Nhật Bản đang hướng tới việc tăng cường dấu ấn chính trị và ngoại giao ở châu Phi vào thời điểm các nước châu Phi và Liên minh châu Phi đang có tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế", ông nói thêm.

Ông Shinichi Takeuchi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi thuộc Đại học Ngoại ngữ Tokyo cho biết chuyến thăm châu Phi của bà Kamikawa là thời điểm phù hợp để tăng cường dấu ấn Nhật Bản tại lục địa này.

Tập trung vào Nam Á

Khu vực Nam Á là một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Céline Pajon cho biết Colombo dự kiến nhận được sự giúp đỡ từ Tokyo để giảm nhẹ gánh nặng nợ nần.

"Nhật Bản đã và đang đóng một vai trò quan trọng, cùng với Pháp và Ấn Độ, trong việc giúp cơ cấu lại khoản nợ của Sri Lanka, đồng thời cung cấp các khoản tài trợ để hỗ trợ đất nước này. Việc thu hồi nợ sẽ cho phép Nhật Bản nối lại các khoản vay đối với cơ sở hạ tầng cảng của Sri Lanka và hơn thế nữa", bà Céline Pajon nói thêm.

Sri Lanka đã tuyên bố phá sản vào tháng 4 năm 2022, vỡ nợ với khoản nợ hơn 83 tỷ USD và phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế để nhận gói cứu trợ.

Trong một động thái nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về tái cơ cấu nợ của Sri Lanka, Nhật Bản đã cùng với Ấn Độ và Pháp vào tháng 4 năm ngoái đưa ra sáng kiến nhằm khởi động cuộc họp giữa các chủ nợ của quốc đảo này. Một thỏa thuận về cơ cấu lại nợ được cho là đã đạt được vào tháng 11/2023.

Về lịch sử, Nhật Bản và Sri Lanka đã có quan hệ chặt chẽ từ lâu. Do đó, chuyến đi tới Colombo của Ngoại trưởng Kamikawa có thể trở thành nền tảng để cả hai nước thiết lập lại mối quan hệ.

Trong khi đó, chặng dừng chân ở Nepal của Ngoại trưởng Nhật Bản vào 5/5 dự kiến sẽ tiết lộ kế hoạch để Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong sự phát triển kinh tế và xã hội của Nepal.

"Chính sách cân bằng của Nhật Bản ở Nepal là rất quan trọng", ông Jain đánh giá./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ